Cho những chuyến xa quê...
Những chuyến rời quê dường như không còn là niềm háo hức như được chắp thêm đôi cánh rộng, để ta có thể thỏa sức tung bay ở những chân trời mới.
Tuổi trẻ với bao khát khao như dòng nhựa sống cuộn trào trong tim, bỗng khựng lại khi thấy những giọt nước mắt nóng hổi từ khóe mắt thẳm sâu nỗi buồn của mẹ. Cùng ánh nhìn khắc khoải và tấm lưng trần hằn in dấu vết thời gian của cha, đôi chân ta bỗng loạng choạng khi bước xuống bậc tam cấp thềm nhà.
Hành lý không quá nặng mà sao tay chân cứ vướng víu, không nỡ buông đôi bàn tay sần chai rám nắng của mẹ, không nỡ bước khỏi mảnh sân gạch phủ đầy lá mận, lá xoài khô. Mảnh vườn trước nhà luống rau muống mẹ trồng vừa mới lên xanh non, đám khổ qua mà cha đã nhọc nhằn vót tre, dựng giàn rồi cặm cụi gieo hạt còn thưa thớt những cánh hoa vàng. Mà người đã khăn gói lên đường, để lại sau lưng trĩu nặng bao nỗi bùi ngùi, luyến nhớ. Đành chép miệng hẹn lại mùa sau...
Ai đó đã nói rằng: “Ngày xưa hệt như một cái ngoái cổ”. Quay đầu lại, tháng năm thoáng chốc đã vun đầy bởi những kỷ niệm len kín trong từng ô nhớ. Đi qua những chặng đường dài và rộng của cuộc đời, từng khoảng thời gian bỏ lại sau lưng cũng theo bước chân ta mà cũ dần, rồi tự lúc nào trở thành ngày xưa. Xa lắm, nhìn đến đâu cũng chỉ thấy bàng bạc khung trời của hoài niệm, để đôi lúc lòng chợt ngỡ ngàng khi tình cờ gặp lại một loài hoa cũ, một bài hát cũ, hay một dáng hình xưa cũ. Những thứ quá đỗi thân thuộc, gắn bó với ta suốt một thời mơ mộng, dường như chẳng hề đổi thay, chỉ có bản thân ta là thay đổi theo năm tháng. Tất cả lâu nay vẫn ở bên kia bờ quá khứ, giờ gặp lại sao lòng mình lại thoáng buồn, gợn nét ưu tư...? Chợt giật mình vì dòng thời gian trôi lặng lẽ trôi. Như khoảng trời tuổi thơ xa mãi, giờ chỉ còn lại trong những giấc mơ...
Minh họa: Trà My |
Nhớ ngày đầu tiên rời quê lên phố, trước lúc đi xa tranh thủ ghé nhà ngoại, cửa vẫn mở nhưng không thấy ngoại đâu. Rưng rưng thắp nén hương lên bàn thờ tổ tiên, rồi ngồi trước thềm nhà chờ ngoại về, nhìn bóng nắng liêu xiêu rọi qua vách thưa mà lòng buồn man mác. Thời gian đâu chờ đợi ai bao giờ, cả đời lọ mọ lo cho con cháu, bóng hoàng hôn tự lúc nào đã ở sau lưng ngoại. Còn ít phút nữa là phải đi mà vẫn chưa thấy ngoại về, bỗng luống cuống tìm giấy bút ghi lại vài lời nhắn gửi để lòng được an tâm. Chợt thảng thốt nhận ra năm tháng đã làm mắt ngoại mờ, thôi thì tự an ủi rằng sẽ có ai đó đọc giúp ngoại. Mảnh giấy ghi “Dạo này mưa rả rích, ngoại ở nhà giữ gìn sức khỏe, trời lạnh ngoại nhớ cời than để dưới gầm giường cho ấm”, cũng vì thế mà bị nhòe bởi những giọt nước mắt nghẹn ngào. Vội vàng đi để kịp chuyến tàu mà đầu còn ngoái lại nhìn hàng hiên dưới tán cây mận trắng, chiếc lu đất bị mẻ vành đặt cạnh dậu cúc tần, không dưng sống mũi lại cay xè...
Ai rồi cũng sẽ lớn lên và rời xa vòng tay ấm áp của những người thân yêu. Để rồi phải cõng trên lưng bao nỗi bộn bề của cuộc sống, trên từng nấc thang đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Người ta thường bảo không ai đánh thuế ước mơ, chúng ta có quyền mơ ước về những thứ mà bản thân chưa từng nghĩ sẽ với tới được. Nhưng khi đứng trước những ranh giới vốn dĩ mong manh, trái tim ta thường dễ xao động, như lúc thấy giọt nước mắt nghẹn ngào rơi từ khóe mắt của mẹ, và nét cười buồn của cha trong buổi chiều tiễn ta đi... Nên tự dặn lòng mình luôn trân quý khoảng thời gian ngắn ngủi bên gia đình mỗi dịp đoàn tụ.
Không ai biết trước được ngày mai, đành chôn chặt nỗi nhớ trong tim mà gạt nước mắt rời xa chốn cũ, với hàng loạt những “giá như” bỗng hiện lên lấp đầy tâm trí. Giá như thời gian trôi chậm lại, để thêm một giây phút ta được sống trọn với cảm giác được chở che yên bình nơi quê nhà yêu dấu. Giá như con đường ta đã chọn không lắm chông gai, trái tim ta đừng quá đa cảm, để lòng thôi ngậm ngùi trước lúc chia xa. Và giá như thời gian đừng âm thầm phủ màu sương lên mái tóc cha, đừng vô tình để lại những vết đồi mồi nắng mưa chai sạn trên đôi tay gầy của mẹ... thì có lẽ bước chân ta sẽ nhẹ đi phần nào...
Trần Văn Thiên
Ý kiến bạn đọc