Multimedia Đọc Báo in

Trên những tầng gác mái

08:37, 26/06/2018
Những con phố muôn đời vẫn vậy, hào nhoáng, đông đúc và sang trọng bề ngoài nhưng ẩn chứa đằng sau những nỗi niềm mà người ta có gắn bó trọn vẹn cuộc đời mình vẫn không thể nào hiểu hết.
 
Rời quê ngót nghét năm năm, nghĩa là tôi đã sống ở con phố này trọn vẹn năm năm thanh xuân đời mình. Từng con đường, góc phố, từng tầng gác mái cao cao bao nhiêu năm vẫn rất quyến rũ với tôi. Đôi lúc tôi ngỡ rằng thành phố như người thiếu nữ diễm kiều mấy trăm năm vẫn trẻ, vẫn tươi rói và dịu dàng như những tháng năm rực rỡ...

Mỗi sớm đi làm, mỗi chiều tan tầm hòa vào dòng người hối hả về nhà, tôi đều tranh thủ thả mắt nhìn lên những tầng gác mái cũ kỹ như một thói quen của người yêu thành phố, thích khám phá. Sáng sớm, sương vẫn còn giăng trên cao, ai đó khẽ đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa sổ gỗ nhỏ đón nắng mai vào tầng gác mái. Đi bộ dưới những hàng cây, ngẩng mặt nhìn lên chợt bắt gặp ai đó đang tưới chậu hoa mười giờ nhỏ xíu treo trên ban công, hai cái nhìn chạm nhau, cười khẽ, cảm giác ấm áp len lỏi khắp tâm hồn. Chiều chiều, người phố đứng tần ngần trên ban công tầng gác mái ngắm nhìn dòng người qua lại, nhìn con đường và hàng cây bao tháng năm tận tụy thay lá, trổ hoa. Và đêm đêm, mỗi lần chạy xe hay đi bộ về muộn trên những con đường vắng vẻ, từng đợt mưa hoa tí tách rơi trên vai, trên tóc, văng vẳng bên tai tôi giọng hát ru ngọt ngào vang ra từ tầng gác mái mờ mờ nửa tối nửa sáng. Khoảnh khắc ấy khiến tôi nhớ đến nao lòng không khí ấm áp, yên bình thuở xưa trong mái nhà tranh, được nâng niu, vỗ về trong vòng tay bà, tay má.

Hóa ra, tầng gác mái thành phố lại chính là nơi ẩn chứa những điều vô cùng bình dị thân thương mà ít nhiều người phố đã bỏ quên trong nhịp đời quay cuồng, hối hả.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Tôi có chị bạn mấy năm trời sống trên tầng gác mái. Có lần tôi hỏi chị sao không thuê ngôi nhà mà ở cho thoải mái, lại phải thuê căn gác nhỏ xíu. Chị cười bảo tiền chị để nuôi con, làm mẹ đơn thân cực nhọc trăm bề. Mọi trách nhiệm đổ lên bờ vai mong manh của chị; đó là chưa kể những lúc chị thấy chạnh lòng, người ta sum vầy, còn chị sáng đưa con đi học, chiều rước con về nhà, chuyện gì cũng chỉ thui thủi hai mẹ con. Nhiều lần chị muốn ôm con về quê nhưng rồi lại thôi, ở thành phố làm công nhân lương tháng cũng được vài triệu, trả tiền căn gác thuê, chi phí sinh hoạt, tiền học cho con xong chị cũng còn dư chút ít. Về quê cày cục ruộng vườn biết bao giờ mới đủ ăn. Vả lại ở phố, con chị sẽ được đến trường, sẽ có điều kiện tốt nhất để thay đổi cuộc đời chứ không phải khổ cực như cuộc đời của chị. Nghĩ vậy, chị gắng gượng bám trụ lại thành phố với niềm tin mai này con chị sẽ sung túc, ấm êm. Lòng người đàn bà luôn nghĩ về những đứa trẻ thơ bằng tất cả sự bao dung, nhân hậu.

Trên tầng gác mái, chị sống những ngày bình an. Cái giường nhỏ để ngủ, góc bếp, góc học tập cho con, cái tủ vải tựa lưng vào tường - tất cả gia tài của chị. Ngoài ban công, chị trồng vườn rau nho nhỏ để thỏa mãn cái thú nông nhàn. Đời mẹ con chị gắn liền với tầng gác mái, với những ngày an yên. Không biết ở con phố này còn bao nhiêu người chọn tầng gác mái làm tổ ấm của mình. Tầng gác cao cao có ngọn gió trong lành, tinh khiết thổi vào không vẩn bụi đường ngột ngạt. Tầng gác mái, nơi lý tưởng để ngắm nhìn thành phố xinh đẹp trong những khoảnh khắc của thời gian. Mới hay, trong cái khổ cũng có cái vui, trong những nơm nớp lo toan của người nép mình trên tầng gác cũng có những khi bình an, vui vẻ. Thành phố bao dung vẫn cưu mang cho những phận đời bé nhỏ.

Đã bao giờ chúng ta nói câu cảm ơn thành phố. Đã bao giờ chúng ta âm thầm tri ân những con đường, những hẻm sâu, những tầng gác mái cao cao che nắng che mưa, che chắn cuộc đời khỏi ướt?

Chiều nay, tôi lại bắt gặp nụ cười của ai đó trên căn gác gỗ. Nụ cười tươi rói, an nhiên...

Hoàng Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Nhớ quà quê…
08:33, 26/06/2018
Chái nhà
07:02, 24/06/2018
Hương đồng
07:06, 17/06/2018
Chong chóng tre
07:59, 10/06/2018
Dư âm mùa phượng vĩ
09:39, 27/05/2018
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.