Multimedia Đọc Báo in

Quà quê

16:29, 05/02/2019

Nhắc tới quà quê, người con nào đi xa mà chẳng rưng rưng? Quà quê là tinh túy, là ân tình và là bao vất vả, khó nhọc cha mẹ, người dân ở quê tạo nên.

Những cô, cậu bạn sinh viên mỗi lần trở về quê lên phố, ba lô lúc nào cũng nặng trĩu quà quê. Thích nhất vẫn là đám bạn cùng phòng, cùng dãy trọ chỉ cần bạn mình đặt ba lô xuống y như rằng xúm xít vào, người tranh quả na, người lấy quả bưởi, hệt như thuở còn thơ bé lúc mẹ đi chợ về lại lon ton tới chiếc làn nhựa, lục lọi lấy quà. Mỗi miền quê có từng đặc sản riêng, quà quê mỗi miền vì thế mà trở thành của hiếm, của quý. Ăn vừa lạ lại vừa ngon. Cái ngon thấm từ miếng quà tình nghĩa bạn mang đến, cái ngon mà theo lý giải dí dỏm của đám sinh viên nhà nghèo là bởi vì “không mất tiền mua”. Dẫu là lý do gì đi chăng nữa thì cái cách thức mọi người ăn ngấu nghiến, sảng khoái như vậy tự bản thân món quà quê đã tạo nên điều kỳ diệu, gắn kết mọi người lại với nhau.

Quà quê giản dị, thân thuộc và gần gũi. Ở quê sẽ rất dễ gặp thấy nếu đi đến các khu chợ lớn, chợ bé hay chợ cóc ven đường. Giá trị của nó đôi khi chỉ bằng giá trị nửa cốc cà phê ở phố hoặc thấp hơn rất nhiều. Đi chợ quê nhìn những thức quà bày bán sẽ chẳng muốn rời con mắt. Quà quê yên tâm sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, an toàn cho sức khỏe. Quả ổi, quả táo nếu là người xuềnh xoàng thì không cần rửa cũng được, cho vào miệng ăn luôn cũng chẳng sao. Độ tươi ngon từ chút nhựa rỉ ra cuống quả mít dai, rồi ngô, khoai, sắn, rau lang, rau sam… thứ nào thứ nấy như vừa hái ở ruộng lên. Chưa kể tới bánh đúc, bánh tẻ, bánh xèo, bỏng gạo, bỏng ngô… vô tư ăn mà không sợ đụng phải hóa chất, phẩm màu, tất cả hoàn toàn là tự nhiên.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Quà quê gắn liền với tuổi học trò trường làng, từ buổi sớm mai lót dạ, tới giờ giải lao lúc ra chơi hay khi đi học về. Dăm ba nghìn bạc cũng có thể ghé quán cạnh trường mua được món đồ mình yêu thích, làm cái bụng ấm lên. Những buổi liên hoan, sinh nhật, lễ lạt chia tay trường lớp quà quê nghiễm nhiên là “nhân vật” chính, ai cũng thích, cũng mê. Cái lạ là quà quê phải có bạn mới ngon, phải sẻ san mới thích. Quà quê sẽ là gia vị khiến câu chuyện rôm rả, ấm áp.

Các gia đình trẻ vì mưu sinh hoặc vì một lý do gì đó không thể bám quê được đành sống ở phố. Cũng khệ nệ sau mỗi chuyến về quê đủ đầy các loại quà quê. Thi thoảng lại điện thoại về cho bố mẹ ở quê gửi xe lên phố. Nhiều lúc cái công gửi, công đi lấy, tính ra thì bằng chỗ quà từ quê gửi lên nhưng ai cũng thích, cũng ham. Này là trái khổ qua xanh mướt, no tròn, dăm ba bịch mồng tơi, rau đay, rau ngót… Có khi lại được chục quả trứng gà ta. Ăn đồ nhà dưới quê gửi lên cảm giác như ăn được bữa tiệc hoành tráng. Hỏi tại sao? Vì là ăn đồ quê thì rất sạch, không phải suy nghĩ rau này có bơm thuốc sâu không? Ăn có tốt cho sức khỏe không? Cứ nghĩ tới lúc ra chợ ở phố đi tới đi lui, mất hàng chục phút vẫn chưa chọn được đồ là đầu óc lại quay cuồng...

Ngày nay quà quê nói riêng và đồ ở quê nói chung rất được mọi người yêu chuộng, nằm trong danh sách đầu tiên được lựa chọn đi biếu tặng đồng nghiệp, bạn bè, người thân vào những dịp quan trọng. Người ở quê cũng vì thế mà tự hào, hạnh phúc thay những món quà quê được mọi người trân quý.

Tăng Hoàng Phi


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.