Multimedia Đọc Báo in

Bếp lửa của tôi

09:05, 21/03/2021

Xa nhà lên thành phố lập nghiệp, nhưng mỗi khi cuối tuần tôi lại nôn nao về quê. Bởi một lý do đơn giản là được ngồi bên bếp lửa nghe mùi rơm rạ, mùi củi khô đang bập bùng cháy. Không hiểu từ bao giờ, hình ảnh bếp lửa quê cứ đọng mãi trong tâm trí tôi…

Quê nhà luôn là một cuốn từ điển sống đối với tôi. Ở nơi đó tập hợp những tình yêu thương vô bờ bến của gia đình và bà con lối xóm. Ở nơi đó có những thức quà của đồng quê, mà chỉ cần nhớ đến thôi là cảm giác thòm thèm trỗi dậy. Và đặc biệt ở nơi đó có hình ảnh người bà, với ngọn lửa hồng cháy mãi cả một bầu trời tuổi thơ.

Không biết từ bao giờ, ngọn lửa quê nhà ám ảnh tôi nhiều đến thế. Ngày nhỏ, tôi thường theo mẹ ra đồng đốt rạ, khói rơm, khói rạ cay xè mắt. Rồi lớn hơn một chút thì một buổi đi học, buổi nấu rau cho lợn, những lần nhóm lửa khói bay ngút ngàn cả gian bếp nhỏ.

 Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Hình ảnh khiến tôi nhớ nhất là có lẽ là vào các buổi sáng. Mẹ tôi thường dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho chị em tôi đến trường, xuyên qua khe cửa, tôi thấy dáng mẹ lom khom, ấm nước đã đun sôi, nồi cơm cháy sém thơm lừng, và mùi cá chiên mắm cứ thế bay lên theo ngọn khói mỏng.

Rồi những chiều đông gió bấc, cái lạnh như thấm vào da vào thịt chúng tôi trên con đường đến trường. Về nhà, việc đầu tiên là tôi ngồi sà vào bếp lửa của bà đang rang đậu. Ngồi bên bà, ngồi bên bếp lửa, tay chân cứ thế ấm dần; nhìn bà cười qua làn khói mỏng, tôi thấy bà đẹp tựa như bà tiên trong truyện cổ tích. Bà tôi có thói quen ăn trầu, bên bếp lửa bà vẫn móm mém nhai những miếng trầu khô, luôn hỏi han, ân cần dặn dò tôi nhiều điều trong cuộc sống.

Và có lẽ, bếp lửa chính là linh hồn của một ngôi nhà. Mẹ tôi thường bảo rằng, nếu muốn biết gia đình đó có hạnh phúc hay không, chỉ cần nhìn vào gian bếp sẽ rõ bởi bếp lửa chính là nơi sinh hoạt của mỗi gia đình. Nơi dừng chân sau bao sóng gió của công việc, cuộc sống. Bên bếp lửa, các thành viên trong gia đình tỉ tê với nhau, chia sẻ với nhau những niềm vui của cuộc sống.

Bếp lửa cũng chính là nơi người phụ nữ thể hiện thiên chức, cùng với sự khéo tay của mình với những thức ăn ngon. Sự ân cần, chu đáo chăm sóc gia đình. Nơi mà những người mẹ dạy con gái cách vo gạo, cách luộc rau và chế biến các món ăn. Nếu một ngày tắt lửa, ngôi nhà trông buồn lắm. Nhất là những ngày cuối năm, khi từng đợt gió lạnh buốt kéo về, thì bếp lửa chính là nơi sưởi ấm cho cả nhà.

Cuộc sống hiện đại, hầu hết các gia đình ở quê không còn sử dụng bếp lửa truyền thống nữa. Chỉ còn vài gia đình giữ lại những bếp lửa thô sơ, khi họ cần nấu rau cho lợn, nướng cá, nướng cua mỗi khi đi làm đồng về. Gia đình tôi vẫn giữ bếp lửa trong gian bếp gọn gàng, nhỏ bé ngày nào nhưng có một điều rất khác là trong gian bếp ấy không còn có sự xuất hiện của bà nữa. Bà đã đi xa vào mùa đông năm ấy, khi tôi bắt đầu cuộc sống xa nhà lên phố học.

Thỉnh thoảng tôi đi công tác xa nhà, gặp hàng trăm bếp lửa, mỗi bếp lửa mang một hình hài khác nhau. Như bếp lửa di động nằm trên các bàn ăn trong nhà hàng, hay bếp lửa nằm ở một quán xá tấp nập nào đó, chiều chiều tan sở các bạn tôi thường ghé qua. Song bếp lửa quê nhà luôn là nỗi nhớ thường trực trong tôi, sưởi ấm tâm hồn và trái tim tôi mỗi khi đi xa về. Nhớ bếp lửa, nhớ ngọn khói cay xè mỗi khi bà nhóm bếp; nhớ tiếng củi reo lách tách mỗi sớm mai, khi sương còn giăng đầy trên các ngọn cây.

Giờ lớn lên, bon chen phố thị chợt thèm lắm cảm giác bình yên nơi góc bếp, nơi có bếp lửa thân quen với chiếc kiềng ba chân vững vàng. Nơi có những kỷ niệm ngọt ngào, và những câu chuyện cổ không bao giờ kết thúc. Nơi có ánh mắt trìu mến âu yếm của bà. Và nơi đó có những món ăn ngon, dưới đôi bàn tay khéo léo của mẹ.

Bếp lửa của tôi - bếp lửa có quá nhiều thương yêu và kỷ niệm. Tôi ước ao được về bên bếp lửa của mẹ, lòng nghe hoang hoải những niềm thương dạt dào. Tôi lại mơ về những câu chuyện cổ tích, mơ về bà, về vòng tay âu yếm tràn đầy thương yêu. Để nhận ra rằng kỷ niệm là những thứ đã qua không bao giờ trở lại…

Thân Thị Thanh Trâm


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.