Mùa nhổ đậu
Làng tôi nằm bên nhánh sông Thu Bồn nên bốn mùa cây cối tốt tươi. Nhìn xa xa, là mái ngói đỏ, là sắc xanh biếc của các loại ngô, khoai. Và điểm tô trên bức tranh bình yên, dễ thương ấy là hình ảnh những chú bé cởi truồng chạy nhông nhông ra tắm sông gần đó. Hay đó là hình ảnh những chiếc nón lá trắng nhấp nhô, bên vườn rau đang tưới.
Bước vào tháng tư là tháng của thu hoạch vụ mùa. Đây cũng là thời điểm gần kết thúc năm học, tôi thường theo mẹ ra đồng nhổ đậu. Nói đến đậu thì quê tôi có rất nhiều loại. Đó là những trái đậu đen dài, chìa ra chờ bàn tay người hái mang về. Đó là đậu ván leo ngợp cả giàn cây mát rượi. Và nhiều nhất vẫn là cây đậu phộng.
Đậu phộng được trồng theo từng hàng thẳng tắp. Sau khi đủ ngày tháng thu hoạch, lá đậu bắt đầu chuyển sang vàng úa, rồi khi nhổ lên, từng chùm, từng chùm quả săn chắc, ngon lành. Cây đậu phộng trước đây luôn khiến tôi phải tò mò. Sao bao nhiêu loại cây vẫn có quả trên cành, vậy mà với đậu phộng thì quả lại nằm trong lòng đất. Khi nhổ lên, trái nào trái đó múp míp như đàn lợn con đông đúc.
Giống như bao đứa trẻ quê khác, buổi sáng tôi đến trường, buổi chiều tôi cùng mẹ ra đồng để thu hoạch đậu phộng. Mẹ mang đôi quang gánh đi trước, tôi mon men nón lá chạy theo mẹ, tay xách ấm nước chè tươi. Khi ra đến đồng, cũng là lúc mọi người đang thu hoạch đậu. Những năm thời tiết thuận lợi, đậu ra nhiều trái hơn, niềm vui nhiều hơn.
Minh họa: Trà My |
Đậu sau khi thu hoạch về, mẹ tôi thường chọn những chùm ngon nhất để luộc cho cả nhà ăn. Sau đó mẹ bắt đầu quét sân phơi. Đậu phơi khô để ép thành dầu phộng. Dầu phộng sau khi ép xong, mẹ tôi giữ lại một phần để dùng trong nhà cả năm. Phần khác mẹ đem đi bán lấy lại tiền phân bón, tiền thuốc. Không lời lãi bao nhiêu, nhưng người nông dân vui nhất có lẽ là họ hưởng thụ chính thành quả do bàn tay họ làm ra. Dầu phộng được trữ đến mùa mưa, rồi mang ra đúc bánh xèo gạo quê thì không có gì sánh bằng. Vị thơm ngon của đậu kết hợp với chất dân dã của gạo quê để làm nên những chiếc bánh xèo siêu to, cho cả gia đình cùng thưởng thức.
Hay dầu đậu phộng dùng để chiên, xào những món ăn truyền thống, nấu nướng trong ngày giỗ, ngày cưới. Nó khác xa với các loại dầu trên thị trường bởi độ thơm, ngon và chất lượng. Mỗi lần đi học về đến đầu ngõ, trong cơn mưa giông mùa hè, tôi thường nghe mùi thơm của dầu phộng mẹ khử để đúc bánh xèo, kết hợp với mùi thơm của củ nén. Ngôi nhà nhỏ, có con mèo ngồi liếm mép bên bếp lửa, có những lá bánh xèo vàng ươm ngon lành, được đặt ngay ngắn trên mấy tàu lá chuối.
Và trên giàn bếp là hũ đậu phộng khô, mẹ để dành làm các món như nấu canh bí đỏ, mì Quảng, hay làm muối đậu ăn vào những ngày mưa gió. Đối với tôi, mẹ chính là kho tàng ẩm thực, với không biết bao nhiêu món ăn dân dã, với bao sự khéo tay trong từng món. Ẩn đằng sau chiếc áo sờn màu, ẩn đằng sau những vết chân chim, và mái tóc bắt đầu ngả bạc ấy là cả tình yêu thương vô bờ bến mà mẹ đã dành cho chúng tôi.
Mùa đậu năm nay tôi đã lớn, không còn lon ton theo mẹ ra đồng nhổ đậu, không còn cảm giác thấp thỏm khi nhìn đám đậu bắt đầu lụi tàn dưới cái nắng. Nhưng niềm vui sướng khi đậu được mùa, được giá hơn so với nhiều năm trước làm tôi vui lây với mẹ, với những nông dân khác ở quê. Và những lít dầu ngon lành, nguyên chất vẫn được mẹ gửi đều đặn lên phố cho tôi dùng. Mùi thơm của dầu đậu phộng trong từng món ăn, làm tôi nhớ quê da diết.
Ý kiến bạn đọc