Multimedia Đọc Báo in

Nhà mạng “xuống nước” đổi tỷ lệ ăn chia với các nhà cung cấp nội dung?

18:56, 04/12/2011

Nếu như 2, 3 năm trước, tỷ lệ thanh toán qua tin nhắn SMS chiếm gần 100% và các nhà mạng hưởng đến 60-70% lợi nhuận còn các nhà cung cấp nội dung (CP) chỉ hưởng 30 - 40% thì hiện nay tỷ lệ này đã thay đổi rất nhanh.

Kênh thanh toán qua SMS chỉ chiếm khoảng hơn 50%
Ông Đỗ Tuấn Anh, quản trị viên diễn đàn GSM cho biết, trong thời gian gần đây, kênh thanh toán ứng dụng di động đã có sự dịch chuyển khá lớn từ SMS sang những kênh thanh toán như thẻ cào, ví điện tử… Hiện tỷ lệ kênh thanh toán qua SMS chỉ còn chiếm khoảng trên dưới 50% và ứng dụng có giá trị càng lớn thì độ dịch chuyển càng nhiều.

Cùng quan điểm với ông Tuấn Anh, một chuyên gia trong lĩnh vực ứng dụng di động cũng khẳng định, để mua một social game trên môi trường web hiện nay, kênh thanh toán SMS chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là các kênh thanh toán khác. Đối với ứng dụng trên môi trường di động, tỷ lệ SMS cao hơn (dưới 50%) nhưng sẽ dần hạ xuống trong khoảng thời gian nữa. “SMS chiếm vai trò chủ đạo trong kênh thanh toán đã là câu chuyện của 2, 3 năm trước”, vị chuyên gia này cho biết thêm.

Theo ông Tuấn Anh, sở dĩ có sự dịch chuyển này là bởi vì, khi sử dụng kênh thanh toán SMS, tỷ lệ ăn chia của các nhà mạng và nhà cung cấp nội dung lên đến khoảng 70%. Tỷ lệ khoảng 30% còn lại, các nhà phát triển gần như không thể sống được. Do đó, để có thể tồn tại, các nhà phát triển chỉ có thể đi theo 2 hướng, phát triển nội dung lừa đảo, xổ số, lô đề, cờ bạc hoặc chuyển dịch sang kênh thanh toán khác như thẻ cào, ATM… đồng thời tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dùng sử dụng những kênh thanh toán này. Ví dụ với những ứng dụng có giá khoảng 60 nghìn đồng, khi sử dụng kênh SMS, các nhà phát triển chỉ được khoảng 20 nghìn đồng nhưng với thẻ cào 50 nghìn đồng, họ đã có được 40 nghìn đồng. Do đó, nếu các nhà phát triển chỉ chấp nhận kênh thanh toán qua thẻ cào buộc người dùng muốn có được ứng dụng đó thì phải chuyển sang nạp bằng thẻ cào. “Từ đó, người sử dụng bắt đầu dần làm quen và sử dụng những kênh thanh toán khác”, ông Tuấn Anh kết luận

Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc VMG lại cho rằng, sự điều tiết của thị trường là nguyên nhân dẫn đến quá trình thay đổi, dịch chuyển kênh thanh toán. Bởi vì, đối với việc thanh toán các ứng dụng có mệnh giá lớn hơn tin nhắn SMS (tối đa khoảng 15 nghìn đồng) như ứng dụng game giá 100 nghìn đồng, nếu thanh toán qua thẻ cào sẽ mang lại nhiều giá trị cho nhà phát triển (sẽ thu về được khoảng 90 nghìn đồng) hơn việc soạn khoảng 6,7 tin nhắn SMS (thu về được 40 nghìn đồng). “Khoản tiền chênh lệch đó, các nhà phát triển sẽ tặng thêm cho khách hàng, khi đó người dùng sẽ cảm thấy thích thú hơn và dần chuyển sang thanh toán qua thẻ cào”, ông Hà nhấn mạnh.

Cuối năm 2012, tỷ lệ này sẽ giảm xuống 20%
Về lợi ích của sự dịch chuyển kênh thanh toán, ông Tuấn Anh cho rằng, điều này sẽ buộc các nhà phát triển phải làm việc một cách nghiêm túc để có lợi cho mình cũng như người dùng. Còn theo ông Hà, việc mở thêm kênh thanh toán khác sẽ giúp các nhà phát triển có thêm sự lựa chọn để tính toán hiệu quả tốt hơn thay vì chỉ phụ thuộc duy nhất vào một kênh SMS như thời gian trước. Tuy nhiên, đối tượng khách hàng dùng di động vẫn sẽ sử dụng SMS làm kênh thanh toán chính để mua các ứng dụng đơn giàn và có mệnh giá thấp.

Lý do đến thời gian gần đây mới có sự dịch chuyển này là bởi vì thị trường đã có được số lượng người dùng, các nhà phát triển đủ lớn cùng với sự phong phú, đa dạng của các ứng dụng trên di động. Cả ông Tuấn Anh, ông Hà đều cho rằng, thời gian tới, sự dịch chuyển kênh thanh toán sẽ còn lớn hơn nữa và thẻ cào sẽ là kênh thanh toán chính. Ngoài ra, bản thân các nhà mạng cũng sẽ phải có sự “suy nghĩ lại” thay vì lấy một tỷ lệ ăn chia SMS lớn như hiện nay. “Đầu năm 2012, khi tỷ lệ kênh thanh toán SMS chỉ chiếm khoảng 50%, rất có thể nhà mạng sẽ thay đổi quan điểm trước khi tỷ lệ này giảm xuống còn 20% vào cuối năm”, ông Tuấn Anh khẳng định.

(Theo Báo Bưu điện Việt Nam )

Ý kiến bạn đọc