Multimedia Đọc Báo in

Khám phá những loài vật lạ ở tiểu vùng sông Mê Kông

18:30, 04/12/2011

Tờ Nhật báo môi trường trực tuyến (TDG) của Mỹ vừa công bố những phát hiện độc đáo về các loài vật, quần thể thực vật hiếm tại tiểu vùng sông Mê Kông Đông Nam Á. Theo TDG, đây là những loài sinh vật không tìm thấy ở những nơi khác, có giá trị cao trong việc đa dạng hóa sinh học và nghiên cứu khoa học, hướng dư luận vào việc bảo tồn môi trường và xa hơn là bảo vệ cuộc sống cho chính con người.

1. Chim Bulbul hói đầu
Bulbul hói đầu (Bare-faced Bulbul) là loài chim có tiếng hót ngắn, gồm trên 4.000 loài, tên khoa học là Pycnonotus hualon, sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Có cấu trúc thanh quản lạ nên có giọng hót ngắn so với các loài chim khác,  được Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và các chuyên gia ở Đại học Melbourne (Australia) tìm thấy tại khu vực quanh sông Mê Kông thuộc Lào năm 2009. Theo Quỹ Bảo vệ chim Thế giới (BI), đây là giống chim quý hiếm, có nhiều ở vùng núi đá dọc sông Mê Kông nên con người cần bảo tồn để tránh nguy cơ bị tuyệt chủng trong tương lai gần.

2. Cá hút đá
Cá hút đá (Stone-Sucking Fish) là loài cá lạ gọi theo tiếng địa phương của người Thái Lan, thuộc chi Oreoglanis genus, một trong 30 loài cá lạ được Quỹ bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) tìm thấy tại khu vực sông Mê Kông trong những năm gần đây, nhất là ở những nơi có đá nước chảy xiết thuộc địa phận Thái Lan. Đặc thù nổi bật của loài cá này là có hàm răng sắc nhọn và hàm dưới bè ra, còn vây có cấu trúc lạ, hút vào nhau tạo ra độ nhám lớn, để khi nước chảy chúng có thể hút chặt vào đá, khỏi bị trôi nên mới được người ta gọi bằng cái tên độc đáo như vậy.

3. Dơi mũi tách đôi
Dơi mũi tách đôi hay dơi mũi ống, tên khoa học Murina eleryi được các chuyên gia Viện Harrison Institute của Anh phát hiện thấy tại khu rừng Việt Nam. Tính đến năm 2009, tại khu vực sông Mê Kông ở  Đông Nam Á, WWF đã phát hiện thấy trên 145 loài vật lạ, trong đó có dơi mũi tách đôi và được xem là một trong những loài động vật quý cần được bảo tồn nghiêm ngặt.

4. Ếch siêu nhỏ
Ếch siêu nhỏ hay ếch dế, ếch sống trên lá cây (Appleby's Leaf-Lotter Toad) có màu đốm được chuyên gia nghiên cứu động vật Jodi Rowley ở Đại học Hoàng gia Phnompenh phát hiện thấy năm 2007 tại khu rừng tỉnh Quảng Nam (Việt Nam). Loài ếch này sống ở dưới tán lá lớn và ngay cả tên gọi của chúng cũng đang tranh luận bởi chúng có kích thước cực nhỏ, kêu giống tiếng dế. Chúng có tên khoa học Leptolalax applebyi, chỉ sống ở thượng nguồn dòng suối đá dọc theo triền sông Mê Kông và do quý hiếm nên có nguy cơ tuyệt chủng cao.

5. Rắn không răng
Rắn không răng, tên khoa học là Coluberoelaps nguyenvansangi, được một nhà khoa học người Việt Nam tên là Nguyễn Văn Sáng cùng với Viện Sinh thái tài nguyên Hà Nội phát hiện ra. Đây là loài rắn lạ rất độc đáo, có thân hình mảnh, dài và có một dải hẹp chạy dọc cột sống, không có răng và không có nọc độc. Tính đến năm 2009, các chuyên gia ở Quỹ WWF đã tìm thấy 10 loài bò sát dọc sông Mê Kông trong đó có rắn không răng nói trên, được tìm thấy tại tỉnh Lâm Đồng (Việt Nam), chuyên ăn giun đất động vật lưỡng cư, cá và cả đồng loại nếu bị bỏ đói.

6. Tắc kè hoa
Tắc kè hoa (tên khoa học Cnemaspis bio cellata) là loại tắc kè rất đẹp, sống nhiều ở vùng núi Nakawan, giữa biên giới Thái Lan- Malaysia và là một trong những loại động vật mới được phát hiện tại tiểu vùng sông Mê Kông năm 2008.

7. Chuối hoang Musa
Chuối hoang Musa (tên khoa học là Musa rubinea) được các chuyên gia ở WWF phát hiện thấy năm 2008 tại lưu vực sông Nujiang, huyện Cangyan miền Tây Vân Nam Trung Quốc, sát biên giới với Myanmar. Đây là một trong số 100 cây trồng mới được phát hiện thấy tại khu vực sông Mê Kông. Chuối Musa được xem là tổ tiên của loài chuối nhà đã được con người thuần hoá cách đây hàng nghìn năm. Phát hiện này không chỉ có giá trị kinh tế mà còn giúp khoa học hiểu sâu thêm về nguồn gốc của loài chuối nhà, cây trồng đã trở thành một loại cây lương thực chủ đạo cho nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Phi.

8. Ếch miệng rộng
Ếch miệng rộng còn ếch khorat (tên khoa học  Limnonectes megastomias) được tìm thấy ở khu rừng hẻo lánh của Thái Lan. Đây là loài lưỡng cư rất quý hiếm, những con đực có miệng rất lạ không chỉ rộng bất thường mà còn có răng nanh nhô ra ngoài, nên giúp chúng bắt mồi rất cừ khôi, đặc biệt là ở những dòng nước chảy xiết. Loài ếch này có thể bắt được cả chim, cho đến các loại cá, động vật bò sát. Được các chuyên gia ở Quỹ WWF tìm thấy năm 2008 và xếp vào danh sách đỏ có nguy cơ bị tuyệt chủng cao.

9. Khuớu Nonggang
Khướu Nonggang (tên khoa học Stachyris nonggangensis) được phát hiện thấy tại khu  bảo tàng tự nhiên Nonggang, phía Nam tỉnh Quảng Tây Trung Quốc, sát biên giới với Việt Nam hồi năm 2008. Khướu Nonggang có kích thước nhỏ, ngón chân dài, màu nâu đen, giọng hót rất hay và được xem là một trong số những loài chim lạ nhất, mới nhất được phát hiện thấy ở vùng sông Mê Kông trong thời gian gần đây.

10. Chuột đá Lào
Chuột đá Lào (Tên khoa học Laonastes acnigmamus) được tìm thấy tình cờ tại một chợ bán thịt động vật ở Lào. Từ phát hiện trên, các nhà khoa học ngạc nhiên về một loài động vật rất mới, thuộc bộ gậm nhấm mà người ta tin rằng đã tuyệt chủng cách đây trên 11 triệu năm. Chuột đá Lào có kích thước giống như chuột đồng, dài khoảng 26 cm tính cả đuôi, nặng 400 gam nhưng lại có đuôi dài và có lông giống như lông sóc, râu dài tua tủa sang hai bên. Qua tìm hiểu cho thấy chúng sống nhiều ở vùng Khammouan của Lào, và hồi tháng 9-2011 mới đây, quỹ WWF còn tìm thấy loài chuột tương tự tại vườn quốc gia Phong Nha- Kè Bảng của Việt Nam.

Khắc Nam (Theo TDG -11/2011)

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.