Multimedia Đọc Báo in

Phòng trừ bệnh do nấm phytophthora trên quả ca cao

16:33, 21/09/2012

Tại Việt Nam, bệnh do nấm phytophthora gây hại trên cây ca cao là loại bệnh phổ biến và rất nghiêm trọng ở các vùng trồng ca cao như Dak Lak. Bệnh này được xem là một trong những đối tượng bệnh hại chính mà thực tế sản xuất đã và đang phải đối mặt.

 Nên thường xuyên vệ sinh vườn, đánh chồi, tạo hình  cho vườn cây ca cao thông thoáng.
Nên thường xuyên vệ sinh vườn, đánh chồi, tạo hình cho vườn cây ca cao thông thoáng.

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tại Tây Nguyên nấm phytophthora có thể gây bệnh trên cây ca cao ở mọi độ tuổi, từ giai đoạn cây con trong vườn ươm đến cây kinh doanh và trên tất cả các bộ phận của cây ca cao, trong đó bệnh thối quả do nấm phytophthora là một trong những bệnh gây hại phổ biến và nghiêm trọng trên các vườn ca cao. Bệnh gây hại thường xuyên và nghiêm trọng tại Dak Lak, nhất là vào các tháng mùa mưa, tỷ lệ quả bị bệnh trên vườn ca cao đang cho quả biến động từ 15,6% - 45,8%. Nhóm tác giả cũng đã xác định được chủng nấm Phytophthora gây bệnh trên cây ca cao là Phytophthora palmivora (P. palmivora)

Các triệu chứng do nấm P. palmivora gây hại trên cây ca cao gồm: trên lá, bệnh làm lá bị cháy thành từng mảng, cây còi cọc, sinh trưởng kém; trên thân, bệnh gây những vết sũng nước gần gốc, phát triển nhanh vòng quanh thân, làm các lá bị vàng, rụng, bên trong thân mạch dẫn bị hóa nâu, bị nặng có thể làm chết cây; trên trái, bệnh lúc đầu xuất hiện với những đốm mờ, khoảng 2 ngày sau khi nhiễm, các đốm chuyển sang màu nâu sô cô la, sau đó bị đen và lan rộng nhanh chóng khắp trái. Trong vòng 14 ngày, trái trở nên đen hoàn toàn và khô quắt lại. Trái khô quắt này là nguồn lây nhiễm chính của nấm P. palmivora.

Sau khi thực hiện các biện pháp điều tra và thí nghiệm các thuốc phòng trừ bệnh nấm phytophthora trên cây ca cao, nhóm tác giả này đã đưa ra kết luận: để phòng trừ bệnh do nấm phytophthora, trước hết nông dân cần sử dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt bằng cách vệ sinh đồng ruộng như: làm cỏ, cắt bỏ quả bệnh định kỳ, đánh chồi và tạo hình cho cây thông thoáng, trồng cây che bóng và chắn gió (các loại cây này phải được rong tỉa trong mùa mưa để vườn ca cao thông thoáng) để hạn chế bệnh thối quả. Khi phát hiện vườn cây bị bệnh do nấm P. palmivora, bà con có thể sử dụng biện pháp tiêm thuốc Agri-Fos 400 từ 1-2 mũi/lần với liều lượng 20ml dung dịch thuốc/mũi tiêm. Ngoài ra, bà con dùng dao cạo bỏ phần vỏ bị nhiễm và dùng thuốc Ridomyl Gold, Alpine 80WP hoặc Aliette 80WP pha với liều lượng 20 g/lít nước rồidùng cây cọ sơn bôi thuốc lên chỗ đã cạo nhiều lần đến khi vết bệnh khô hẳn. Trong giai đoạn cây cho trái cần phun ngừa định kỳ 10-15 ngày một lần để tránh bệnh xâm nhiễm làm trái bị thối bằng các loại thuốc như trên theo liều lượng khuyến cáo.

Vườn cây nên bón nhiều phân hữu cơ và cung cấp nấm đối kháng Trichoderma vào trong đất xung quanh gốc cây để nấm hoạt động và tiêu diệt các mầm bệnh. Gốc cây cũng nên được quét vôi mỗi năm từ 1 đến 2 lần, vào cuối mùa nắng hay đầu và cuối mùa mưa, chiều cao của vết quét ít nhất là 50 cm kể từ gốc cây, xung quanh gốc nên rải vôi. Vôi có tác dụng làm hạn chế sự nẩy mầm của bào tử nấm.

T.N (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.