Những giải pháp đối phó với tình trạng kháng thuốc
08:47, 28/03/2014
Một trong những cản trở lớn nhất trong điều trị bệnh hiện nay là nạn kháng thuốc kháng sinh. Hiện tượng này xảy ra khi vi khuẩn thay đổi theo một cơ chế mới để làm giảm hoặc loại bỏ tác dụng của thuốc, hóa chất, hoặc các tác nhân khác được dùng cho việc chữa bệnh, ngăn ngừa viêm nhiễm. Khi kháng thuốc, virút, vi khuẩn không chết mà vẫn tồn tại, tiếp tục "nhân bản", tạo ra siêu khuẩn đa kháng sinh. Dưới đây là 5 giải pháp được xem là những loại vũ khí mới để ngăn chặn các siêu khuẩn này phát triển.
1. Liệu pháp phage
Liệu pháp phage (Phege hay bacteriaphage) có thể hiểu là thực khuẩn thể. Những thực khuẩn thể này có khả năng "ăn" vi khuẩn hay nói chính xác là virút của vi khuẩn và tiêu diệt vi khuẩn. Phát hiện trên không phải mới bởi nó đã được con người nghiên cứu từ đầu thế kỷ trước nhưng đến nay khi tình trạng kháng thuốc xuất hiện thì liệu pháp trên mới trở nên khả thi. Theo nghiên cứu của các chuyên gia ở Trung tâm Y học Texas A&M (Mỹ), 90% ADN có trong cơ thể thuộc về thực thể khuẩn phage. Tất cả những phage này hút máu hàng tỷ khuẩn đang sống trong cơ thể, tuy nhiên các phage này lại không gây bệnh cho con người. Hiểu được cơ chế nói trên, các nhà khoa học hiện đang ứng dụng thế mạnh của thực khuẩn thể để tạo ra liệu pháp phage. Rất nhiều thực khuẩn thể chỉ tấn công một vài chủng duy nhất của vi khuẩn, điều này có nghĩa, các phage này tốt hơn rất nhiều so với thuốc kháng sinh. Một số quốc gia trên thế giới như Nga, Gruzia hiện đang tiên phong trong việc dùng các loại virút thân thiện để chữa bệnh cho con người thông qua các loại dược phẩm dạng thuốc uống hoặc thuốc tiêm. Trong tương lai, liệu pháp này sẽ được thay thế cho thuốc kháng sinh nhằm khắc phục những căn bệnh đang có chiều hướng kháng thuốc.
2. Kim loại
Liệu pháp chữa bệnh bằng kim loại đã từng được đề cập trong nền văn minh cổ đại của người Ba Tư hay La Mã. Ví dụ, dùng các bình chứa bằng đồng, bạc để đựng nước, đựng thực phẩm, vừa có tác dụng làm đồ chứa lại có tác dụng khử trùng. Ngày nay khoa học hiện đại đã chứng minh được rằng việc phơi ra môi trường kim loại ở mức quá cao cũng có thể gây bệnh, song sử dụng có giới hạn kim loại lại có tác dụng chữa bệnh. Ví dụ, thuốc kháng sinh có hàm lượng kim loại tích hợp sẽ trị được virút, vi khuẩn hay môi chất gây bệnh. Hiện tại, các hãng dược phẩm đang tiến hành nghiên cứu cho kim loại vào các loại băng dính để giảm viêm nhiễm, nhất là bệnh nhiễm trùng máu, căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao hơn bệnh ung thư. Một trong những dự án tiên phong là đề tài của các chuyên gia ở ĐH Calgary (UOC), Canada do giáo sư Raymond Turner đứng đầu, nghiên cứu về việc dùng kim loại để trị khuẩn, đặc biệt là dùng các loại ống nội khí quản bọc ôxít bạc và các ống catheter bằng hợp kim bạc để giảm viêm nhiễm cho những bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện. Ngoài nghiên cứu trên, các nhà khoa học còn có hướng nghiên cứu, cho ra đời các loại thuốc kháng sinh gốc kim loại để điều trị các loại bệnh trúng độc. Lợi thế của nhóm thuốc này là "trừ và diệt" đúng đối tượng các tế bào khuẩn gây bệnh, trong đó phải kể đến gallium, kim loại trong suốt không màu có thể làm tan chảy các kim loại khác. Vi khuẩn có thể hấp thụ kim loại này thay cho sắt và hạn chế nguy cơ tổn thất tế bào máu đỏ. Dù gallium không làm được chức năng hóa sinh giống như sắt, song nó lại có khả năng gây tổn thương các chức năng tế bào khuẩn như trường hợp mắc bệnh xơ nang rải rác hiện đang được các nhà khoa học cho dùng gallium để trị chứng nhiễm trùng phổi.
3. Sử dụng bacteriocins
Một trong những hướng đi trong tương lai để đối phó với nạn kháng thuốc kháng sinh là dùng bacteriocins. Bacteriocins là các chất hóa sinh, nó khác với các loại thuốc kháng sinh cổ điển có nguồn gốc từ khuẩn, có cấu trúc phức tạp như tetracycline. Bacteriocins là những protein nhỏ được mã hóa bới các gen đơn, nó sở hữu nhiều đặc điểm giống như thuốc kháng sinh truyền thống, có thể làm tiêu diệt các loài khuẩn đơn hoặc tạo ra những "quả bom" hiệu quả diệt nhiều khuẩn gây bệnh mà không gây độc cho con người. Đặc tính này có được là nhờ chức năng tiến hóa của bacteriocins. Năm 2013, các chuyên gia ở Trung tâm Nghiên cứu Teagasc Food Research Centre ở Cork (Ireland) đã tiến hành nghiên cứu sản xuất thành công thuốc kháng sinh từ bacteriocins, tuy nhiên do cấu trúc của bacteriocins có sẵn, đơn giản nên hiện nay nhóm đề tài đang áp dụng kỹ thuật di truyền để làm tăng hiệu quả cho bacteriocins trước khi tạo ra sản phẩm thuốc kháng sinh. Trong cơ thể con người cũng sản xuất được bacteriocins, nhất là khi đưa các loại khuẩn thân thiện vào cho cơ thể giống như nguyên lý sản xuất thuốc kháng sinh truyền thống. Sản phẩm bacteriocins hiện đang được thử nghiệm trên động vật và nếu thành công sẽ sử dụng cho con người trong tương lai gần.
4. Tấn công tế bào Persister
Một trong những cản trở trong việc điều trị bệnh nhiễm trùng chính là tế bào Persister. Thông thường để tồn tại, đôi khi các tế bào khuẩn có những giai đoạn không hoạt động nhằm giúp vi khuẩn tồn tại, cơ chế này có liên quan đến tế bào Persister hay còn gọi là "tế bào nằm vùng" không hoạt hóa, không thấm nước và tấn công lại thuốc kháng sinh và đến khi "thức giấc" nó tiếp tục gây viêm nhiễm. Mục tiêu của các nhà khoa học là làm sao loại bỏ được các tế bào Persister này sẽ loại bỏ được tình trạng kháng thuốc. Qua nghiên cứu thì có một số hợp chất nhất định làm cho nó hoạt hoá, đảm nhận một số chức năng đặc biệt. Trong số này có hợp chất có tên AOEP4, kích hoạt một enzyme có trong các tế bào của siêu khuẩn methicillin-resistant staphylococcus aureus (MRSA) hay khuẩn Staphylococcus aureus kháng Methicilline. Loại enzyme này băm nhỏ protein và tạo ra cơ chế tự động phá hủy tế bào. Các chuyên gia ĐH Northeastern (Mỹ) hiện đang nghiên cứu tìm ra phương án tiêu diệt tế bào Persister hoặc "lấy cắp" cơ chế hoạt hóa của nó để làm cho nó “tự tử”, cuối cùng hạn chế nguy cơ kháng thuốc, nhất là kháng thuốc của tụ cầu khuẩn kháng Methicilline, thủ phạm gây ra bệnh mụn nhọt thường gặp nhất hiện nay.
5. Giải pháp dùng PPMO
PPMO là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Peptide phosphorodiamidate morpholino oligomers. Đây là một loại hóa chất hay chính xác hơn là chất hóa sinh có thể liên kết và làm câm các gen của vi khuẩn có thể trong RNA hoặc ADN. Theo cách này, các chất hóa sinh nói trên có thể phong bế hoạt hóa của vi khuẩn bằng cách tiêu diệt những gen chính hoặc những gen kháng thuốc kháng sinh và cuối cùng tiêu diệt vi khuẩn thông qua các loại dược phẩm tiêu chuẩn. Nhóm chuyên gia ở ĐH bang Oregon (Mỹ) hiện đang nghiên cứu và tồng hợp PPMO ở cấp phòng thí nghiệm, đặc biệt là phân loại các gen gây bệnh của khuẩn để giúp PPMO nhắm chính xác mục tiêu. Hiện tại nhóm đề tài đã nuôi trồng thành công loại hóa chất này trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm thành công trên chuột, tấn công lại khuẩn Acinetobacter, khuẩn gram âm, không di động - thủ phạm gây bệnh đường hô hấp, nhiễm trùng vết thương và hiện đang có chiều hướng kháng thuốc rất mạnh. Trong năm 2014, hóa chất này sẽ được thử nghiệm ở trên người và được xem là một trong những hướng đi mới nhất, có tính khả thi nhất trong việc đối phó với nạn kháng thuốc kháng sinh.
Khắc Hùng (
Theo
PM - 1/2014)
Ý kiến bạn đọc