Multimedia Đọc Báo in

Giảm cước di động: Được và...mất

10:58, 26/09/2010

Là người dùng, việc doanh nghiệp giảm cước di động tất nhiên bao giờ cũng được ủng hộ. Nhưng làm sao giải bài toán giảm cước có lợi… nhiều đường lại không hề dễ cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. 

Cước di động vẫn có thể giảm
Tại Diễn đàn Tăng trưởng Viễn thông Việt Nam 2010 diễn ra giữa tuần vừa rồi, một thông tin khiến nhiều người quan tâm được đưa ra từ phía Frost & Sullivan: cước di động ở Việt Nam vẫn còn cao so với các nước trong khu vực và còn cơ hội giảm thêm 15%. Để dẫn chứng cho đánh giá đó của mình, đại diện của Frost & Sullivan còn đưa ra những con số minh họa cụ thể. Theo Frost & Sullivan, là quốc gia đông dân đang phát triển, cước di động của Ấn Độ ở thời điểm này chi có không đến 1 cent, quy đổi sang tiền Việt Nam tương đương với 200 đồng mỗi phút.

Đặc biệt, có một quốc gia cùng nằm trong khu vực Đông Nám Á và có khá nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam la Indonesia cũng có mức cước thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Hiện, cước di động của Việt Nam đang ở mức 800 đồng, tương đương với 4 cent môi phút, còn của Indonesia là gần 2 cent/phút.

Đấy là nhận định của một tên tuổi vốn có khá nhiều sự quan tâm và tìm hiểu về thị trường viễn thông Việt Nam nói chung và lĩnh vực thông tin di động nói riêng. Trả lời câu hỏi “liệu cước di động của Việt Nam ở thời điểm này vẫn còn chưa hợp lý, và có được điều chỉnh tiếp trong thời gian tới hay không?”, các chuyên gia kinh tế và cả phía cơ quan quản lý nhà nước cho biết cước di động của Việt Nam hiện đang ở mức trung bình, không quá thấp và đúng là vẫn có thể giảm được nữa. Tuy nhiên, thời điểm giảm là khi nào thì phải có sự cân nhắc.

Với người dùng, việc doanh nghiệp giảm cước di động tất nhiên bao giờ cũng được ủng hộ.
Với người dùng, việc doanh nghiệp giảm cước di động tất nhiên bao giờ cũng được ủng hộ.

Bao giờ nên giảm cước?
Theo các chuyên gia viễn thông, trong bài toán phát triển thị trường, bao giờ cũng phải tính đến tam giác lợi ích: Nhà nước - Doanh nghiệp và Người dùng. Và việc giảm cước tất nhiên không nằm ngoài mục tiêu này. Vì vậy, giảm cước khi nào và giảm cước bao nhiêu cần phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng.
Từ đầu năm tới giờ, đã có một lần Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý cho ba nhà mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel  giảm cước lớn với mức điều chỉnh cao nhất là 15% theo đúng định hướng giá cước mà Bộ đưa ra vào thời điểm cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Và cũng theo định hướng của Bộ, đây sẽ là lần điều chỉnh cước lớn duy nhất trong năm của ba doanh nghiệp này. Từ giờ tới cuối năm, sẽ không còn một lần điều chỉnh cước lớn nào nữa. Sở dĩ có định hướng nêu trên cũng là từ sự nghiên cứu và xem xét của Bộ Thông tin và Truyền thông, cho dù giảm cước đến đâu, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp không được phá giá, giá cước không được thấp hơn giá thành dịch vụ.

Với kinh nghiệm của rất nhiều các quốc gia đi trước, việc cung cấp các gói cước với mức giá bán thấp hơn giá thành sẽ không mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Cùng với đó, việc giảm cước ồ ạt khiến hạ tầng mạng lưới của doanh nghiệp không kịp đuổi theo với sự tăng trưởng nóng của thị trường, nhu cầu người dùng cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng. Từ những sự lo ngại hoàn toàn chính đáng này, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu xét về dài hạn giảm cước một cách phá giá còn có tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành. Và vì vậy, quan điểm và định hướng về vấn đề giá cước của Bộ Thông tin và Truyền thông đều được các doanh nghiệp đồng tình.

Trong vài năm trở lại đây, cước di động của Việt Nam đã luôn có sự điều chỉnh giảm nhằm đem lại lợi ích cho người dùng. Nhưng đằng sau đó người ta cũng dễ dàng nhận thấy đó là một sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà mạng với nhau để giành thị phần.

Câu chuyện giảm giá cước bằng nhiều cách cộng thêm khuyến mại khủng đã khiến cho mặt bằng doanh thu của doanh nghiệp giảm sút lớn. Qua rồi cái thời… hoàng kim, doanh nghiệp đạt được mức APRU từ 10-12USD/tháng. Giờ doanh thu bị đánh giá đang gần chạm mức báo động, chỉ còn khoảng 4-5USD tháng, bằng 1/3 so với trước đây.

Mặc dù giảm sút như vậy, với các doanh nghiệp đã có thâm niên hoạt động trên thị trường lâu năm, cùng với thị phần lớn như VinaPhone, MobiFone, Viettel, ARPU này vẫn đem về lợi nhuận cho họ vì không còn phải lo đầu tư quá nhiều cho xây dựng mạng lưới, cơ sở hạ tầng. Còn các mạng nhỏ, thuê bao còn hạn chế, chạy đua giảm cước mà doanh thu lại đạt cao quả thực là một bài toán không hề dễ dàng gì để có lời giải. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc người dùng có được giảm cước di động nữa hay không chính là phụ thuộc vào bản thân mỗi doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp có thể cân đối mức chi phí đầu tư, trong đó có dung lượng mạng rồi cả việc mở rộng vùng phủ sóng, phát triển dịch vụ mới… song song cùng giảm cước thì câu chuyện giá cước thấp hơn giá thành không còn nữa. Và khi đó, giảm cước mới thực sự đem lại lợi ích nhiều mặt. Còn hiện giờ nếu Việt Nam đua theo giảm cước để có mức thấp như các quốc gia mà Frost & Sullivan dẫn chứng ở trên, theo các chuyên gia viễn thông, đó là những thị trường đã đổ vỡ, cơ quan quản lý nhà nước phải chịu bất lực trong điều hành thì hoàn toàn không nên.

Theo VnMedia


Ý kiến bạn đọc