Multimedia Đọc Báo in

“Đại gia” ngoại rót vốn vào thương mại điện tử

14:45, 03/04/2011

Trong vòng 3 năm nữa, nếu không có những chính sách hỗ trợ mạnh, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam sẽ là sân chơi của các nhà đầu tư nước ngoài.

Những cái tên như eBay, Amazon, Rakuten, Alibaba không còn quá xa lạ với những doanh nghiệp làm thương mại điện tử "nội". Hiện tại, eBay và Alibaba đã hiện diện chính thức tại Việt Nam, trong đó eBay mua 20% cổ phần của Peasoft, chủ sở hữu trang thương mại điện tử Chợđiệntử.vn, còn Alibaba chọn Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ (OSB) làm đại lý ủy quyền kinh doanh tại Việt Nam. Về phần mình, Amazon và Rakuten cũng đã nhòm ngó và đặt vấn đề hợp tác với một vài doanh nghiệp thương mại điện tử có tiếng của Việt Nam. Như vậy, mặc dù thương mại điện tử tại Việt Nam được coi là chưa thực sự "chín", nhưng các "đại gia" nước ngoài vẫn quyết tâm rót vốn vào lĩnh vực này.

Theo nhận định của ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương), thị trường thương mại điện tử doanh nghiệp với khách hàng (B2C) của Việt Nam là thị trường tiềm năng. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vào Việt Nam theo hình thức tự làm hoặc mua cổ phần của công ty trong nước. ông Nguyễn Ngọc Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật giá (chủ sở hữu trang thương mại điện tử vatgia.com) cũng khẳng định, trong vòng 3 năm nữa, nếu Việt Nam không có những chính sách hỗ trợ mạnh, nhất là hỗ trợ về hình thức huy động vốn, thì lĩnh vực thương mại điện tử sẽ là sân chơi của các nhà đầu tư nước ngoài. Để đầu tư một trang thương mại điện tử hoàn chỉnh, cần khoảng 2-3 triệu USD, thời gian thu hồi vốn lại kéo dài, nên nếu doanh nghiệp không trường vốn thì khó có thể tồn tại. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài lại có thế mạnh về vốn.

Ông Điệp cho biết, trong năm 2010, vatgia.com có doanh thu khoảng 2 triệu USD và dự tính đạt 5 triệu USD trong năm nay. Tuy nhiên, Công ty vẫn đang trong tình trạng thua lỗ, vì thu được bao nhiêu lại phải chi hết bấy nhiêu, đặc biệt là chi cho vấn đề nhân sự và cơ sở hạ tầng. Kể từ năm 2007 đến 2010, vatgia.com đã ngốn hết khoảng 3 triệu USD vốn đầu tư, trong đó có khoảng 1 triệu của IDG Venture, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên về công nghệ - thông tin tại Việt Nam. Ông Điệp cũng khẳng định, nếu không có nguồn vốn bổ sung từ các nhà đầu tư thông qua việc lên sàn hay vay vốn từ các quỹ hỗ trợ, ngân hàng, thì rất có thể, vatgia.com cũng phải nghĩ đến chuyện hợp tác với đối tác nước ngoài. Nhà nước cần tạo điều kiện cho các công ty làm thương mại điện tử có thể thu hút vốn từ thị trường trong nước, chứ không phải sống dựa vào vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Bản chất của đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử chỉ là rót vốn và chỉ đầu tư công nghệ, kinh nghiệm kinh doanh khi đã thâu tóm được công ty trong nước.

Theo Đầu tư


Ý kiến bạn đọc