Cách vệ sinh thiết bị điện tử
Vào một ngày đẹp trời, chiếc máy tính của bạn đột ngột phát ra những tiếng động lạ, đó chính là lúc bạn nên nghĩ đến việc làm vệ sinh cho máy vì rất có thể mọi linh kiện đã bắt đầu bị ảnh hưởng sau một thời gian dài sử dụng mà không lau chùi.
Tuy vậy, làm vệ sinh cho máy tính cần có những lưu ý nhất định để tránh việc gây hư hỏng cho các linh kiện lẫn tránh bị điện giật. Cần chuẩn bị các đồ dùng cần thiết để vệ sinh máy tính bao gồm:
- Vải và mút: Vải, đặc biệt là các loại vải mềm, rất thích hợp để lau dọn máy tính. Ngoài ra có thể dùng các tấm mút dính chuyên dùng cho việc vệ sinh đồ điện tử. Loại mút này có bán trên thị trường, tuy nhiên giá tiền khá cao. Để lau các khe, các bề mặt dễ trầy xước, tốt nhất nên chọn mút bông.
- Nước sạch hoặc cồn loãng: chỉ sử dụng các chất này cho máy tính, tránh sử dụng các dung môi khác vì có nguy cơ làm hư bề mặt nhựa và màn hình máy.
- Máy hút bụt mini: nhỏ gọn, thuận tiện để hút các bụi bặm, chất bẩn ra khỏi máy tính.
- Bình xịt khí: dùng để thổi bụi trên các chi tiết khó lau chùi.
- Hộp đựng ốc và tua-vít: nên để sẵn một cái hộp nhỏ dành cho đựng ốc, một số linh kiện nhỏ để không bị thất lạc khi tháo máy ra vệ sinh.
Lưu ý: rút toàn bộ dây cáp nguồn điện của máy tính lẫn màn hình ra khỏi ổ cắm, đeo thiết bị chống tĩnh điện khi thao tác
Vệ sinh máy đúng cách:
- Chuột: lau kỹ thân chuột, tẩy sạch vết mồ hôi, vết bụi bẩn...
Đối với chuột quang/laser: nên dùng bình xịt thổi nhẹ vào mắt quang cho sạch bụi, sau đó lau nhẹ với tăm bông.
Đối với chuột bi: tháo viên bi chuột ra, rồi lau sạch 3 thanh trục bên trong. Ngoài ra cũng nên làm vệ sinh miếng lót chuột.
- Bàn phím: lấy khăn ẩm lau nhẹ bề mặt phía trên, sau đó sử dụng máy hút bụi để hút các chất bẩn kẹt giữa các khe phím.
Đối với bàn phím thông thường máy bàn: lật ngửa và mở phần đáy bàn phím ra, tháo nhẹ nhàng 2 miếng nhựa điện tử phủ trên bộ phím, miếng đệm cũng như từng phím ra (hãy giữ cẩn thận để có thể ráp trở lại). Sau đó dùng bàn chải ướt chà nhẹ bề mặt các phím và phần phía trên bàn phím. Cuối cùng, phơi khô và lắp lại là bàn phím của bạn đã sạch chất bẩn.
- Mặt ngoài case – màn hình: Với khăn ẩm, hãy lau nhẹ bề mặt ngoài của case và màn hình, lấy máy hút bụi dọn dẹp các khe nhỏ.
- Các loại giác cắm, cổng kết nối: dùng bàn chải mềm khô chải qua.
- Quạt tản nhiệt: giữ nguyên cánh quạt và chải sạch bụi bẩn bằng bàn chải mềm. Không nên lạm dụng máy hút bụi vì có thể làm hỏng quạt.
- Bên trong thùng máy: Dùng bình xịt khí nén làm sạch khu vực này. Tránh lau bằng khăn vì khi vô ý có thể làm gãy tụ điện hay làm hỏng bề mặt của các vi mạch điện tử. Mở nắp thùng máy sau đó thổi bụi ra ngoài. Nếu có thể, hãy tháo các linh kiện trong máy ra và lau chân kết nối của chúng. Tuy nhiên cần hết sức cẩn thận khi làm việc này.
- Màn hình: dùng bình thổi, thổi nhẹ đẩy sạch bụi trên màn hình, rồi lau qua bằng khăn khô, mềm. Nếu vết bẩn bám cứng trên màn hình, dùng khăn ẩm lau nhẹ. Tránh chà xát mạnh cũng như dùng các thiết bị vệ sinh có tính kiềm đề lau màn hình.
- Máy Scan: khi vệ sinh bề mặt tiếp xúc của máy - nơi con mắt điện tử chạy qua, phải sử dụng loại chất liệu thật mịn màng, làm ẩm rồi mới lau. Tốt nhất nên dùng các loại chuyên dụng. Tránh các loại dụng cụ vệ sinh có chất cồn, chất kiềm để không gây xước bề mặt máy, dẫn đến chất lượng hình ảnh scan bị giảm.
- Máy in và các thiết bị khác: Đối với các máy in laser buộc phải dùng các loại giấy vệ sinh chuyên dụng cho máy in. Còn đối với các máy in kim tốt hơn hết nên chạy chu kỳ làm sạch ánh sáng. Trường hợp đổ mực trong lõi máy in thì phải tháo lõi máy in ra để rửa
Theo Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc