Multimedia Đọc Báo in

Già làng mẫu mực, làm kinh tế giỏi

09:24, 24/01/2021

Ông Y Bi Êban (tên thường gọi là Ama Lô) đã có gần 20 năm tham gia công tác xã hội ở buôn Đung B, xã Ea Khal (huyện Ea H’leo).

Hiện nay, ngoài nhiệm vụ Trưởng Ban công tác Mặt trận kiêm buôn phó, Ama Lô còn được bà con bầu làm già làng của buôn. Không chỉ tích cực tham gia công tác xã hội, Ama Lô còn là điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Trước đây, do tập quán canh tác lạc hậu, việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên nên năng suất cây trồng của người dân trong buôn Đung B không hiệu quả. Năm 2000, Ama Lô mạnh dạn đưa giống cà phê năng suất cao vào trồng; nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất cây trồng dần được cải thiện, mỗi năm gia đình ông tích lũy được khoảng 100 triệu đồng. Thu nhập ổn định, gia đình ông đã xây được ngôi nhà hai tầng khang trang, đầu tư mua sắm phương tiện, đồ dùng sinh hoạt đắt tiền…

Không chỉ làm giàu cho bản thân, Ama Lô còn tuyên truyền, vận động người dân trong buôn thay đổi tập quán canh tác; chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ông còn hỗ trợ vốn, cây giống để các hộ khó khăn trong buôn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Hầu như năm nào ông cũng cho bà con vay khoảng 10 - 15 triệu đồng để đầu tư sản xuất; nhiều gia đình vì điều kiện quá khó khăn mượn tiền nhiều năm không trả được thì ông đã giúp họ bằng cách gọi công làm cỏ, bón phân, hái cà phê để trừ nợ dần. Bằng cách này, Ama Lô đã giúp 10 hộ trong buôn vươn lên thoát nghèo.

Già làng  Ama Lô  trò chuyện, hướng dẫn thanh niên trong buôn  về cách làm ăn.
Già làng Ama Lô trò chuyện, hướng dẫn thanh niên trong buôn về cách làm ăn.

Là già làng, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Ama Lô thường xuyên đến các gia đình trong buôn để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; động viên các gia đình chăm lo sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; phối hợp với chính quyền địa phương hòa giải thành công nhiều vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong nhân dân, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự ở địa phương. Ông cũng thường xuyên nhắc nhở con cháu xây dựng và giữ gìn mối đoàn kết trong đại gia đình, dòng họ, láng giềng, xây dựng gia đình văn hóa. Hiện nay các con của ông đều trưởng thành; trong đó có ba người đang công tác trong các cơ quan nhà nước.

Buôn Đung B hiện có 176 hộ với 780 khẩu, toàn buôn chỉ còn 7 hộ nghèo và 21 hộ cận nghèo; số hộ có kinh tế khá ngày càng tăng, đời sống của bà con trong buôn ngày càng được cải thiện. Diện mạo của buôn đổi khác, đường sá sạch đẹp, nhà cửa khang trang. Bà con trong buôn đều tích cực học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của già làng Ama Lô.

Hoài Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.