Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Tháp Bà ở Nha Trang

15:02, 09/04/2010

Quần thể Tháp Bà Pô Nagar là một di tích lịch sử - văn hóa của thành phố biển Nha Trang, nằm trên một ngọn đồi cao chừng 30m trông xuống sông Nha Trang, gồm bốn cổ tháp được xây dựng tư thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 12.

Tháp lớn nhất và cũng là tháp chính mang tên Pô Yang Inô Nagar goi tắt là Pô Nagar hay còn gọi là Thiên Y-A-NA Thánh Mẫu (Pô: Bà, Nagar: Chúa Xứ), được xây dựng từ năm 817, có chiều cao 23m. Ở cửa tháp là bức tượng thần Siva bốn tay chân đặt lên đầu con thú Nadin nhảy múa giữa hai nhạc công đang thổi sáo sanarai. Bên trong tháp có một phòng độc nhất xây theo hình cái chuông úp. Ngay giữa điện thờ là tượng nữ thần Pô Nagar ngồi trên đài sen phục sức thật lộng lẫy, đầu đội mũ hình hoa sen xòe nở óng ánh hạt chân trâu. Đây là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Chămpa có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 11. Toàn bộ tượng làm bằng đá sa thạch cộng thêm bệ thờ cao đến 2,60 mét. Ngoài hai cánh tay chính, Nữ thần còn có tám tay phụ, biểu thị tính vạn năng. Hai cánh tay chính đặt lên đầu gối, bàn tay trái mở ra trong tư thế ban phát, bàn tay phải dựng đứng, lòng bàn tay ngửa ra trước trong tư thế trấn an. Tám tay phụ, mỗi tay cầm một vật khác nhau như cây cung, tù và bằng vỏ ốc, lưỡi giáo Ankusa, đoản kiếm, mũi tên... tỏa ra hình rẻ quạt. Tất cả những vật đó tượng trưng cho trí tuệ và quyền uy của Nữ thần. Toàn thân tượng cao 154 cm, ngực để trần căng tròn; bụng có nhiều nếp nhăn, bên dưới mặc chiếc xà rông.
Ngoài tháp chính Pô Nagar còn có ba ngôi tháp khác nhỏ hơn. Ngôi tháp bên phải thờ ông bà tiều phu, là cha mẹ nuôi của Thiên Y Thánh Mẫu. Tháp thứ ba nằm ở phía Nam là nơi thờ hai người con của Thánh mẫu. Phía sau tháp chính là tháp thứ tư thơ Thái tử Bắc Hải.
Quần thể Tháp Bà Pô Nagar còn có hai bia đá lớn có khắc chữ Hán do ông Phan Thanh Giản, một trọng thần nhà Nguyễn, đề ngày 20-5-1856. Thời nhà Nguyễn đã sắc phong Nữ thần Pô Nagar “HỒNG NHÂN PHÒ TẾ LINH ỨNG THƯỢNG ĐẲNG THẦN”.

Tháp Bà Pô Nagar (Ảnh: T.L)
Tháp Bà Pô Nagar (Ảnh: T.L)
Thuở xa xưa, người Chăm tổ chức lễ cúng Nữ thần Pô Nagar vào các tháng 3, tháng 7 và tháng Chạp âm lịch hằng năm nhưng lễ hội chính được tổ chức từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch. Lễ cúng gồm có trầm hương (không có nhang), hoa quả và dê là những lễ vật chính nhằm ca ngợi công đức Nữ thần Pô Nagar là thần Mẹ của xứ sở Kauthara, tức đất Khánh Hòa ngày nay. Khi hành lễ, các thầy tư tế xướng kinh kệ và các bài tụng ca trong khi ''bà bóng'' biểu diễn múa đề minh họa lời ca. Sau phần cúng lễ có phần '' múa bóng'' do các thiếu nữ Chăm đảm trách, có đàn nhạc đệm gồm kèn Sanaran, đàn Kani-Kura, trống Paranưng và chập chõa
Kể từ khi đến định cư tại đất Khánh Hòa, người Việt đã dần tiếp nhận Nữ thần Pô Nagar như là Mẹ Đất, Mẹ Nước. Lễ cúng hằng năm cũng đã biến đổi ít nhiều để trở thành ngày hội của cả hai cộng đồng Chăm - Việt.
Lễ hội Tháp Bà ngày nay cũng được tổ chức từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch.
Sáng ngày 20-3 là lễ tắm tượng và thay y. Các cô gái được chọn bắt đầu tháo gỡ xiêm y và mũ miện để tắm rửa tượng Nữ thần. Nước dùng để tắm là nước hoa hay nước nấu từ các loại hoa lá có hương thơm. Các tượng nhỏ trong khu di tích và các sinh thực khí như Linga và Yôni cũng dược tắm rửa rất kỹ trong không khí trang nghiêm và thành kính. Ngày 22-3, người dự lễ mang xôi, bánh và thức cúng chay đến dâng lễ cúng tại hương án nơi tháp chính cầu cho ''Quốc thái dân an'', ''Mùa màng bội thu”, ''Mưa thuận gió hòa''... Đến đêm là lễ ''Tế sanh'', ngoài các vật dâng cúng như thường lệ còn có cả con heo đã làm thịt sạch sẽ để nguyên con, kèm theo một bát tiết và một nhúm lông heo. Sau đó là mục ''Múa bóng '' do các vũ công trình diễn để dâng lên Nữ thần nhằm bày tỏ lòng thành kính và biết ơn của cả hai cộng đồng Chăm - Việt. Chính lễ là ngày 23-3, được cử hành hoàn toàn theo nghi thức của người Việt, với đầy đủ chánh tế, bồi tế, mang đầy đủ lễ và trang phục, đi hia đội mão theo kiểu cung đình ngày xưa tiến hành các nghi thức dâng hoa quả, rượu và trầm hương. Văn tế được đọc lên thật trang nghiêm, nhịp nhàng theo âm thanh đàn nhạc lễ. Ngoài ra, lễ hội còn có các cuộc vui chơi, giải trí như hát bội, đua ghe, đua thuyền, đua thuyền thúng trên sông Nha Trang thật hào hứng, thu hút đông đao người tham dự.

Nguyễn Nhân Thống (giới thiệu)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.