Thắng cảnh Tam Cốc
14:04, 24/07/2010
Bến thuyền Tam Cốc là đây,
Ngô Đồng sông nước trời mây
soi mình
Tam Cốc có nghĩa là ba cái hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba, thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đi thăm Tam Cốc chỉ có một con đường thủy duy nhất, xuất phát từ bến Văn Lâm trên sông Ngô Đồng.
Ngô Đồng sông nước trời mây
soi mình
Tam Cốc có nghĩa là ba cái hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba, thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Đi thăm Tam Cốc chỉ có một con đường thủy duy nhất, xuất phát từ bến Văn Lâm trên sông Ngô Đồng.
Đường vào Tam Cốc. |
Tam Cốc có một vẻ đẹp vừa nên thơ vừa quyến rũ tưởng như khó có nơi nào sánh bằng. Hàng ngàn ngọn núi đá vôi không cao quá mà cũng chẳng thấp quá nằm tiếp nối nhau cứ như “Vạn lý trường thành” thiên nhiên được tạo hóa ưu ái ban cho. Chẳng thế mà nơi đây đã được xếp vào một trong 21 khu du lịch trọng điểm quốc gia được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn”.
Du khách đi thuyền bồng bềnh rẽ sóng giữa khoảng xanh rờn của đồng lúa non. Thật cũng lạ, nước chỉ sâu chừng vài mét đủ cho con thuyền lướt đi, còn ruộng lúa thì chỉ xăm xắp nước, chẳng cần đắp bờ, đắp bến, cứ như là sông ở đâu ruộng ở đó, chẳng ai xâm phạm ai.
Những buổi mai, Tam Cốc như đắm chìm trong làn sương mỏng bay phủ cả núi non, đồng ruộng, tạo cho cảnh quan thêm ảo mộng, nửa hư nửa thực, con thuyền đưa khách như chơi vơi đi vào chốn tiên cảnh, bồng lai. Đi chừng 400m thì đến Nghi Môn ngoại (cửa ngoài), có hai quả núi dựng đứng hai bên sông, bên phải là núi Cửa Quen, bên trái là núi Vụng Gạo. Đi tiếp đoạn nữa, thuyền vào cống Rồng bắc ngang qua sông Ngô Đồng, rồi đến núi Võ, núi Văn. Thuyền lướt nhẹ để đến Nghi Môn nội (cửa trong), cũng do hai quả núi đứng hai bên sông tạo thành. Bên trái là núi Bến Thánh có một bến thuyền do vua Trần Thái Tông cho làm từ nghìn xưa để thuyền vào đến bến Thái Vi.
(Xem tiếp trang 10)
Bên phải là núi Phượng Hoàng có cái mỏ nhô ra sông trông thật rõ ràng và đẹp mắt. Thuyền đi tiếp đoạn nữa sẽ đến hang Cả. Đây là hang dài nhất, dài 127m, rộng 20m do sông Ngô Đồng chảy luồn qua núi mà thành. Thuyền vào hang, chao đi chao lại mấp mé nước. Mùa hè vào đây, hơi nóng theo thuyền như đã tỏa ra khắp hang. Mùa đông vào hang lại không cảm giác cái lạnh giá mà ấm dần lên. Đây là hang có nhiều nhũ đá đẹp với đủ muôn hình vạn trạng. Nhìn lên trần hang và hai bên thành hang có chỗ đá nhẵn thín, phẳng lì như đánh bóng. Từ trong hang vọng lên tiếng thánh thót của những giọt nước theo nhũ đá từ trên trần rơi xuống.
Khi thuyền vào hang thì tất cả như tối om, chỉ nghe tiếng nước vỗ vào mạn thuyền ì ọp và tiếng chèo khua nước. Nhưng chỉ độ một thoáng thì từ phía trước đã thấy ánh sáng le lói bên ngoài cửa hang. Chính vì ánh sáng này mà bóng con thuyền, bóng người ngồi trên thuyền, mái chèo cử động và màn nhũ đá từ trần rũ xuống… tất cả đã tạo thành một bức tranh rõ nét in trên nền ánh sáng bên ngoài. Bức tranh tuyệt đẹp này đang chuyển động dần dần, từ từ, rồi bỗng sáng òa lên, đó là lúc con thuyền đã chui ra khỏi hang động. Bên phải là một thung lũng nhỏ có những phiến đá bằng phẳng gọi là “Thung lũng tình yêu”, có lẽ ở đây trai gái thường đến tâm tình chăng?
Đi tiếp khoảng 200m nữa sẽ đến núi Hàm Rộng. Đối diện với núi này là núi Kim Quy, nơi mà ngày xưa vua Trần Thái Tông thường lui tới để chọn đất lập đền Thái Vi. Nếu không có dòng sông chảy xuyên qua hang Cả thì việc đến hai Hai chỉ có tiên mới vào được chốn này. Từ hang Cả đến hang Hai phải mất cả cây số đường sông. Hang Hai chỉ dài có 60m rộng 18m. Trần hang Hai cũng có nhiều thạch nhũ trông đẹp mắt.
Ra khỏi hang Hai, lại như bị vây hãm lần nữa giữa bốn bề núi cao, cây chen đá, đá bên cây. Chỉ cần đi thêm chưa đầy 100m thì đến hang Ba, dài 45m, rộng 18m. Mùa hè hang này mát mẻ nhất. Bầu không khí trong hang trong như lọc, ánh sáng tỏa ra huyền dịu, mờ ảo như chốn bồng lai tiên cảnh.
Tam Cốc là một kỳ quan độc đáo ở nước ta, hằng năm đón nhận hàng nghìn khách du lịch các nơi về đây tham quan, ngoạn cảnh.
Nguyễn Nhân
Ý kiến bạn đọc