Multimedia Đọc Báo in

Thăng Long - Hà Nội nơi hội tụ những làng nghề nổi tiếng

18:10, 03/07/2010
Câu ca “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ” từ lâu đã in đậm trong tiềm thức của mỗi người dân đất kinh kỳ. Thăng Long – Kẻ Chợ từ những thế kỷ XVIII – XIX đã là cái nôi của các làng nghề truyền thống.
Nguồn gốc của nhiều ngôi đình hiện còn nằm rải rác khắp 36 phố phường đã chứng minh rằng nghề kim hoàn của người Hà Nội là do người làng Châu Khê (Hải Dương) và làng Định Công (huyện Thanh Trì) làm ra; nghề tiện của người Nhị Khê (Hà Tây); thợ mộc ở Liễu Viên (Hà Tây) lập ra phố Lò Sũ; thợ làm mành ở làng giới Tế (Bắc Ninh) lập ra phố Mành Mành… Tất cả đều đã đậm nét trong cơ cấu ngành công nghiệp. Qua sử sách để lại, người ta đã chứng minh được nghề kim hoàn – một trong những nghề rất đặc trưng của người Hà Nội – đã ra đời từ thế kỷ thứ II. Và đất tổ nghề này chính là làng Định Công (huyện Thanh Trì). Nghề kim hoàn ở Hà Nội là sự kết hợp hoàn hảo của ba nghề, đó là nghề chạm, nghề đậu và nghề trơn. Nghề chạm tức là trổ hình vẽ hoa văn; nghề đậu tức là kéo lên những sợi chỉ vàng, chỉ bạc uốn thành hình hoa lá, chim muông; còn nghề trơn là đánh bóng các sản phẩm hoàn tất. Những mặt hàng đẹp được tạo nên bởi sự kết hợp khéo léo tài hoa của nghệ nhân, đáp ứng được thị hiếu của nhiều người.
Một nghề truyền thống nữa ở Hà Nội cũng có từ rất lâu đời, đó là nghề thêu. Nghề này luôn có mặt ở rất nhiều phố phường, làng xã vì có nhiều người tham gia. Ngày xưa thợ thêu ở Hà Nội tập trung nhiều ở phố Hàng Thiếc. Họ chủ yếu là dân vùng Hương Dương, Quất Động (huyện Thường Tín – Hà Tây cũ). Phần lớn là làm hàng phục vụ các nhà quyền quý, đình chùa và phường tuồng (triều phục, cờ quạt, nghi môn, trướng, liễn, đối…). Cho đến đầu thế kỷ XX, do có thêm nhiều vật liệu mới như chỉ tơ, satanh, thuốc nhuộm hóa học…, nghề thêu đã phát triển ngày một tinh vi hơn. Thêu nổi, thêu trắng, thêu kim tuyến làm nên những mặt hàng mới như khăn trải giường, mặt gối, khăn bàn… rất phát triển. Các loại như ren rua, móc chỉ cũng rất được thị trường ưa chuộng.
Nghề gốm bát tràng
Nghề gốm bát tràng
Còn nếu khách cần sập gụ thì đến phố Hàng Khay, cần bài vị, long đình, hương án, hoành phi, câu đối, cửa cuốn… thì đến phố Hàng Nón. Và Hà Nội chính là nơi phô bày tài năng của những nghệ nhân tạo ra các sản phẩm bằng gỗ với nhiều đề tài phong phú, hấp dẫn. Nghề chạm gỗ ở Hà Nội không chỉ phục vụ người trong nước mà còn được rất nhiều khách nước ngoài hâm mộ.
Nghề sơn mài ở đất Thăng Long cũng rất nổi tiếng và có lẽ bắt đầu từ thế kỷ XVIII. Những người làm hàng sơn mài tập trung ở phường Nam Ngư. Nghề sơn vốn có 2 loại: sơn quang dầu và sơn mài. Sơn mài ra đời sau sơn quang dầu nhưng đã làm cho nghệ thuật của sơn nâng cao lên nhiều. Nhựa sơn pha với dầu trẩu để giữ nguyên độ bóng gọi là sơn quang, còn nếu pha trộn với nhựa thông, khi vẽ xong đem mài tạo nên sắc màu thì gọi là sơn mài. Sơn mài bền hơn sơn quang nên được nhiều người hâm mộ. Trước đây sơn mài chỉ có ba màu: sơn then (màu đen), sơn son (màu đỏ) và sơn cánh gián (màu nâu vàng). Ngày nay bảng màu của sơn mài đã phong phú hơn nhiều nhờ sự tìm tòi sáng tạo của nhiều họa sĩ. Những sắc màu đằm thắm, hòa nguyện tạo nên những màu vẽ mang màu sắc dân tộc như bến nước, cây đa, con đò, lá trúc, nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột…
Một nghề nổi tiếng khác là gốm sứ Bát Tràng. Bát Tràng có nghĩa là “Tràng làm bát” nay thuộc huyện Gia Lâm. Đây là địa điểm nổi tiếng về gốm sứ từ thế kỷ XV. Đến thế kỷ XVIII thì Thăng Long có riêng hai phường phố chuyên bán các sản phẩm của làng này là phố Bát Đàn và phố Bát Sứ. Phát huy tính sáng tạo trên cơ sở truyền thống, người thợ gốm sứ Bát Tràng đã không ngừng nâng cao sản phẩm cả về số lượng lẫn chất lượng, các mặt hàng truyền thống đã được phục hồi như chân đèn, độc bình, chậu hoa, be nậm và các loại ấm, chén, bát, đĩa, nhiều màu men đáp ứng nhiều đối tượng khách hàng. Với hình dáng thanh thoát, màu men nhã, óng ả, những họa tiết hoa văn đẹp… đã nói lên sự hài hòa giữa cổ truyền và hiện đại. Sắc thái cổ truyền và tạo hình hiện đại làm cho hàng gốm sứ Bát Tràng ngày một sáng giá…
Và quả là thiếu sót nếu bỏ qua làng tranh Hàng Trống với những bức tranh mang nét thanh lịch của người Tràng An. Các phường thợ khắc tranh và in tranh ở đất Thăng Long như Hàng Gai, Hàng Nón, Hàng Quạt, Hàng Gà, Hàng Đẫy, Hàng Hòm đều đưa tranh đến bày bán ở đình Hàng Trống vào những phiên chợ giáp tết. Và vì vậy người ta gọi chung đó là tranh Hàng Trống. Tranh Hàng Trống cũng rất đa dạng và phong phú, từ tranh thờ tự đến tranh chúc phúc, tranh chơi… Tranh chơi Hàng Trống dành cho sự thưởng lãm thẩm mỹ, thanh lịch của các tầng lớp trí thức, công chức, thị dân đất Kẻ Chợ.
Trên đây chỉ lược qua một số nghề thủ công truyền thống mà đất tổ lại chính là Hà Nội – Kinh đô Thăng Long xưa kia. Các nghề được tạo nên bởi những nghệ nhân từ các vùng khác nhau đến đây sinh cơ lập nghiệp, truyền nghề rồi phát triển nghề, duy trì, tồn tại và luôn là tiềm năng dồi dào ở đây. Quả thực, Hà Nội chính là nơi hội tụ của nhân tài bách nghệ bốn phương.
Minh Đạt

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.