Multimedia Đọc Báo in

Văn Miếu Huế - Một di tích văn hóa giáo dục đặc sắc

16:57, 10/09/2010

Trong kho tàng di sản văn hóa Huế, có một di tích mang đậm dấu ấn giáo dục vẫn còn lưu giữ đến ngày nay, đó là Văn Miếu Huế. Tuy không có lịch sử lâu đời như Văn Miếu – Quốc tử giám Hà Nội, nhưng Văn Miếu Huế không thua kém về quy mô kiến trúc và sự uy nghi của một thời vàng son là trung tâm giáo dục của cả nước.

Theo sử sách nhà Nguyễn, Văn Miếu Huế được xây dựng vào năm Gia Long thứ 7 (1808) tại thôn An Bình, làng An Ninh trên tả ngạn sông Hương phía tây kinh thành Huế, nay là xã Hương Long (TP. Huế). Các công trình kiến trúc chính đều xây trên mặt bằng ngọn đồi cao gần 3m so với nền đất xung quanh. Trước mặt là dòng sông Hương, phía sau là làng mạc. Các công trình của Văn Miếu Huế được xây dựng trong mặt bằng hình vuông mỗi cạnh chừng 160m. Xung quanh có xây thành bao bọc. Tất cả gồm 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có 32 tấm bia tiến sĩ và 4 tấm bia khác. Văn Miếu (điện chính thờ đức Khổng Tử và Tứ Phối, thập nhị triết), hai nhà ông Vu và Tây Vu (thờ thất thập nhị Hiền và các tiên nho), Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho), nhà Tổ công, Đại thành môn, Văn Miếu môn... Các tòa nhà đều được xây dựng bằng gỗ lim và các vật liệu truyền thống bền vững. Bố cục kiến trúc cân đối hài hòa mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống Huế. Từ cổng Đại Thành Môn nhìn vào, ngay chính giữa là ngôi đại điện thờ Khổng Tử, gọi là Đại Thành Điện. Đại Thành Điện là kiến trúc trọng yếu của Văn Miếu, toàn bộ được xây dựng trên một nền cao, dài chừng 32m, rộng 25m. Cấu trúc của ngôi đại điện theo lối trùng thiềm điệp ốc truyền thống của Huế. Hai bên trước Điện Đại Thành dựng hai ngôi nhà đối diện nhau là Đông Vu và Tây Vu đều bảy gian để thờ thất thập nhị hiền và các tiên nho. Phía ngoài cổng Đại Thành, bên trái có Hữu Văn Đường; bên phải xây Dụy Lễ Đường. Đây là những ngôi nhà kiểu một gian hai chái dùng để vua quan nghỉ chân sửa soạn lễ phục trước khi vào tế ở miếu. Phía trước là hai dãy gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sĩ triều Nguyễn.

 

Thời vua Gia Long (1801 – 1819), do triều đình chỉ mở đến thi Hương, không thi Hội nên không có tiến sĩ, vì thế Văn Miếu không có bia đá đề danh. Chỉ đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822) các khoa thi Hội mới được mở. Từ đây, các tiến sĩ đỗ đầu các khoa thi được khắc tên lên bia đá đặt trong Văn Miếu để vinh danh những người đỗ đạt, đồng thời khuyến khích truyền thống hiếu học, quý trọng văn tài của dân tộc ta. Hiện tại trong Văn Miếu Huế còn lưu giữ nguyên vẹn 32 tấm bia tiến sĩ dựng thành hai dãy ở hai bên sân đối diện nhau. Bia đặt trên lưng rùa được làm bằng đá thanh cẩm thạch,  khắc tên, tuổi, quê quán của 293 vị tiến sĩ qua 39 kỳ thi Hội, thi Đình được tổ chức từ năm 1822 thời vua Minh Mạng, đến khoa thi cuối cùng của triều Nguyễn năm 1919 thời vua Khải Định. Ngoài bia đá đề danh tiến sĩ, trước sân Văn Miếu có hai nhà bia, bên phải khắc văn bia của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng) đề ngày 17-3-1836, dụ về việc Thái giám không được liệt vào hạng quan lại. Tấm bia bên trái khắc bài văn bia của Hiến Tổ Chương Hoàng đế (vua Thiệu Trị) đề ngày 2-12-1844, dụ về việc bà con bên ngoại của Vua không được tham gia chính quyền… Văn Miếu Huế là một trong những di tích lịch sử văn hóa vô cùng quí giá, là một trong mười sáu di tích nằm trong quần thể di tích cố đô được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới.

 

Tuy nhiên, trải qua những biến thiên của lịch sử, cũng như điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung làm cho Văn Miếu Huế gần như đã trở thành phế tích.  Hiện nay, Văn Miếu Huế được giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô quản lý, bảo tồn, khai thác. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng trong việc trùng tu tôn tạo di tích, nhưng cho đến nay mới chỉ có nhà bia là được trùng tu nguyên vẹn, các hạng mục trong tổng thể kiến trúc Văn Miếu vẫn đang nằm trong kế hoạch trùng tu tôn tạo.

 

Ngô Minh Thuyên

 


Ý kiến bạn đọc