Bodh Gaya - Thánh tích Phật giáo nổi tiếng của nhân loại
Cứ vào tháng 10 hằng năm, những người mộ đạo và du khách thập phương lại đổ về Bodh Gaya - nơi được xem là cái nôi Phật Giáo nổi tiếng nhất của nhân loại xưa và nay để thực hành tín ngưỡng, chiêm ngưỡng nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa Phật giáo hay tĩnh tâm thư giãn.
Bodh Gaya hay Bodhgaya được ví như "Đệ nhất thánh tích Phật giáo" tọa lạc ở thị trấn Gaya, bang Bihar, miền Bắc Ấn Độ, cách thành phố cổ Gaya hơn 100 km về phía Bắc. Đây là địa điểm ghi lại dấu ấn đức Phật đã giác ngộ dưới cây bồ đề. Đối với Phật giáo, Bodh Gaya là nơi quan trọng nhất trong cuộc đời Phật Thích Ca Mâu Ni, cùng với ba nơi khác là Kushinagar, Lumbini và Sarnath. Năm 2002, đền Mahobodhi (Đại Giác Ngộ tự) ở Bodh Gaya đã được công nhận là Di sản thế giới.
Tương truyền vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, Hoàng tử Siddhartha Gautama (Tất Đạt Đa Cồ Đàm) khi đó đã là một nhà tu hành đi khất thực trên bờ sông Falgu gần thành phố Gaya, ở đây, đức Phật đã ngồi thiền dưới bóng cây Bồ đề. Sau 3 ngày 3 đêm thiền định, Phật đã đạt tới sự thấu hiểu và giác ngộ, 7 tuần lễ tiếp theo ở Bodh Gaya, Phật đã tiếp tục thiền định và suy xét trắc nghiệm thẩm định của mình. Sau 7 tuần, Phật đã tới Sarnath nơi Người bắt đầu công việc giảng dạy Phật giáo.
Hằng năm những người mộ đạo, các đệ tử, tín đồ thường đến thăm nơi Phật đã đạt được sự giác ngộ vào ngày rằm tháng Vaisakih theo lịch Ấn Độ (tháng 4-5. Lịch sử của Thánh địa Phật giáo Bodh Gaya còn được lưu truyền trong nhiều tài liệu, trong đó có tài liệu của các nhà sư Trung Quốc là Pháp Hiển và Huyền Trang, những người từng có mặt tại thánh địa này hồi thế kỷ thứ 4 và thứ 7 để lấy kinh, nơi đây đích thực là cái nôi hay trái tim văn hoá Phật giáo trong suốt nhiều thế kỷ trước khi bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng hồi thế kỷ thứ 13.
Bodh Gaya từ lâu đã được ví là "Liên hiệp quốc Phật tử", có nghĩa là nơi quy tụ rất nhiều chùa chiền của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên quy mô toàn cầu như của Bhutan, Đài Loan, Nêpan, Nhật Bản, Tây Tạng, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc... Tâm điểm chính của Bodh Gaya là tháp Đại Giác hay gọi theo người dân địa phương là Đền Chính (Main Temple) được xây dựng vào thế kỷ thứ 2 theo kiến trúc tháp nhọn, cao tới 52 mét. Bốn mặt tháp được trang trí văn hoa rất tinh xảo dựa trên nền hai chủ đề chính là tôn giáo và thiên văn, đây cũng là chủ đề nghiên cứu về văn hóa Phật giáo trong nhiều thế kỷ qua. Trong Đền chính luôn tấp nập cảnh thành kính, lễ bái. Mọi nghi lễ được diễn ra trước tượng Phật Thích Ca bằng đá mạ vàng cao khoảng 2 mét tạc đúc năm 380 với nét mặt thanh thản, hướng đông, giống như tư thế khi Phật ngồi tựa gốc Bồ đề năm xưa.
Theo sử sách còn ghi, đặc biệt là tài liệu của ông Alexander Cunningham người Anh, người từng vận động công việc trùng tu thánh địa Bodh Gaya cuối thế kỷ 19, cây bồ đề hiện có trong Bodh Gaya được chính ông chiết từ cây Bồ đề ở Sri-Lanka vốn là một nhánh của cây Bồ đề nguyên thủy được trồng nơi đức Phật đã tọa thiền trên 2.500 năm về trước. Như trên đã đề cập, đền Mahobodhi (Đại Giác Ngộ tự) là một công trình kiến trúc bằng đá với một Shikhara ở giữa. Tận trong cùng của đền có một bảo tháp theo kiểu kiến trúc Miến Điện (phức thể tự viện này đã được trùng tu bởi các tín đồ Phật Giáo Miến Điện), mặt tiền của tháp trung tâm và bốn tháp góc được phủ các hốc đầy tượng Phật.
Người Nhật xây dựng tại đây một tượng Phật đá trắng cao 20 mét đặt tên là Đại Phật (Great Buddha Statue) hai bên là dãy tượng 10 vị đại đệ tử của đức Phật có kích thước bằng người thật. Năm 1950, Hoàng gia Thái Lan cho xây dựng một ngôi chùa đồ sộ với mái cong vút mạ vàng óng ánh rất công phu, còn người Trung Quốc thì có hẳn 3 pho tượng Phật ngồi kích thước khổng lồ cùng với ảnh Vạn Phật khắc trên 4 bức tượng. Tại Bodh Gaya hiện có khoảng hơn 70 ngôi chùa lớn nhỏ, đại diện cho kiến trúc Phật giáo của các quốc gia trên thế giới. Cùng với các quốc gia khác, tại Bodh Gaya, người Việt Nam đã xây dựng 4 chùa, gồm Việt Nam Phật Quốc tự của thầy Huyền Diệu, chùa Độ Sanh của một nhà tu người Mỹ gốc Việt, chùa Viên Giác của nhà tu hành người Đức gốc Việt và tịnh xá Kỳ Hoàn của Thầy Thích Giác Viên ở Vũng Tàu. Những ngôi chùa của Việt Nam mang phong cách kiến trúc rất đặc biệt. Ví dụ như Phật Quốc tự có cổng tam quan, có chính điện với mái ngói cong uyển chuyển giống như kiến trúc của các ngôi chùa trong nước, đặc biệt, không dùng chữ nho mà dùng chữ quốc ngữ để người Việt khi đến đây thăm viếng có thể lĩnh hội nhanh ý nghĩa. Bên trong Phật Quốc tự có 2 bàn thờ, thờ những người đã có công dựng và giữ nước, đặc biệt trong khuôn viên rộng hơn 3 ha có cả kiến trúc Chùa Một Cột, biểu tượng rất độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Bodh Gaya, đệ nhất Thánh tích Phật giáo nơi đức Phật thành đạo không chỉ là di tích Phật giáo cổ kính, chốn linh thiêng, cái nôi văn hóa Phật giáo của nhân loại mà còn là địa danh du lịch hấp dẫn. Theo số liệu thống kê, hằng ngày Bodh Gaya thu hút trên 1.000 du khách từ mọi miền thế giới đến thăm, thực hành ngồi thiền quanh gốc Bồ đề. Ngoài ra, Bodh Gaya còn là điểm đến cho những tua du lịch lịch sử, nghiên cứu của giới học giả, nhất là những người có mối quan tâm đặc biệt đến cuộc đời đức Phật nói riêng và Phật giáo nói chung.
Ý kiến bạn đọc