Cùng Hoàng Diệu ngắm mây trời
Tôi về thăm mộ Hoàng Diệu vào buổi trưa. Đó là một buổi trưa trời rất trong. Có lẽ, nó vẫn như mọi buổi trưa chuyển mùa hạ khác, nhưng vì đứng bên mộ ông, nhìn những ngọn khói đốt rạ trên cánh đồng Xuân Đài cuồn cuộn vần vũ đầy hiểm ác, tôi bỗng nhớ đến đúng Ngọ trưa ngày tám tháng ba Nhâm Ngọ năm ấy (25-4-1884), bầu trời trong xanh của Hà thành cũng vần vũ mây đen do khói thuốc súng, do kho đạn bị đốt cháy, trước khi dùng dải khăn xanh đang chít trên đầu làm sợi dây oan nghiệt để tuẫn tiết, người anh hùng của thành Hà Nội, chắc có ngửa mặt nhìn trời...
Hoàng Diệu vốn tên là Hoàng Kim Tích, tự là Quang Viễn, hiệu là Tĩnh Trai, sinh ngày mười tháng hai năm Kỷ Sửu (1829), tại làng Xuân Đài (Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam) trong một gia đình Nho học. Năm 19 tuổi (1848) đỗ Cử nhân, năm 26 tuổi (1855) đỗ Phó bảng, được bổ làm Tri huyện Tuy Phước, rồi thăng Tri phủ Tuy Viễn (Bình Định), do nhầm lẫn án từ, bị giáng chức về làm Tri huyện Hương Trà (Thừa Thiên), được phục chức ra làm Tri phủ Đa Phúc (Phúc Yên), rồi thăng Án sát Nam Định, rồi Bố chính Bắc Ninh. Năm 1673, ông được điều về Huế làm Tham tri Bộ hình, rồi Tham tri Bộ lại kiêm Đô sát viện, sung cơ mật đại thần, thăng Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh), về kinh đại diện cho triều đình giao thiệp với phái bộ Iphanho (Tây Ban Nha). Sau đó được thăng Thượng thư Bộ Binh. Sau khi Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết (1873), Pháp vẫn không ngừng tìm cách đánh chiếm thành Hà Nội, bất chấp những ký kết nhượng bộ của triều đình Huế. Vì vậy, năm 1880, Hoàng Diệu được cử làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình). Trước khi nhậm chức, Hoàng Diệu đã về quê thăm mẹ già, vợ và các con, ghé làng Đông Bàn gặp quan Thượng thư Phạm Phú Thức để đàm đạo việc nước. Sau khi nhậm chức, ông cho đắp thành Hà Nội dày và cao hơn, cửa thành đóng bằng gỗ lim rắn chắc, bổ sung súng đại bác, quân lính đông hơn, bố trí quân lính cả ngoại thành để hỗ trợ tác chiến. Tất cả những chuẩn bị đó chứng tỏ ông là người có tài thao lược và sự chọn lựa của triều đình Huế cử ông giữ chức vụ này là đúng đắn. Nhưng than ôi, lực bất tòng tâm!
Đầu tháng 4-1882, Henri Rivière từ Sài Gòn ra Hà Nội, đóng tại Đồn Thủy, nhằm “bảo vệ sinh mạng và tài sản của Pháp kiều”. Năm giờ sáng ngày 25-4-1882, y gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu, đòi triệt bỏ các công sự phòng thủ, giải giáp binh lính, quan chức phải đến dinh của y để trình diện, và đón lính Pháp vào thành để kiểm tra. Hoàng Diệu cự tuyệt, một mặt sai người đi điều đình, một mặt chuẩn bị chiến đấu. Tám giờ sáng Pháp tấn công với đại bác và tàu chiến, “quân giặc đông như kiến tụ, súng giặc gầm như sấm vang”. Quân ta chỉ cầm cự đến trưa, các Bố chánh, Đề đốc, Tuần phủ bỏ chạy, kho thuốc súng bị đốt cháy. Để bảo toàn mạng sống cho quân dân trong thành, Hoàng Diệu viết lời Di biểu (Trần tình biểu) gửi vua Tự Đức, tố cáo sự dối trá trong kế hòa ước của Pháp, nói lên lòng thất vọng của mình đối với triều đình, lên án sự bạc nhược của quan quân và tấm lòng “cô trung thác với thành rồng”. Sau đó, ông đi vào vườn Võ miếu, thắt cổ tự vẫn. Cái chết lẫm liệt của ông để lại tiếng thơm muôn đời cho con cháu mai sau, đã được bao nhiêu thơ văn ca ngợi như Hà thành chính khí ca, Hà Thành thất thủ ca...
Mộ Hoàng Diệu giữa cánh đồng Xuân Đài xanh ngát. (Ảnh: H.V.Đ) |
Hoàng Diệu như một ngôi sao xẹt ngang qua cuộc đời chỉ năm mươi ba năm, một nửa thời gian đó ông tham gia chính sự nhưng đã đảm nhận nhiều cương vị và ở cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc. Không những thế, ông còn là vị quan thanh liêm, cương trực, quyết đoán, yêu nước thương dân. Ngàn đời sau còn mãi truyền tụng rằng, khi làm Tổng đốc Hà Ninh, bận việc nước không về thăm nhà được, ông chỉ gửi một tấm lụa về cho mẹ già. Mẹ ông đã đốn một chiếc roi tre gói vào tấm lụa gửi trả, ý dặn ông rằng hãy yên tâm lo việc nước, không được phân tâm vì không vật chất đối với người thân. Trong bút ký tài hoa Đứa con của phù sa, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn kể rằng, Hoàng Diệu mất khi vợ ông còn cấy lúa trên cánh đồng Xuân Đài, nghe tin bước thấp bước cao, sấp ngửa chạy về... Nghe đâu, ngôi mộ đơn sơ của ông cùng hai người vợ nằm giữa cánh đồng này có lúc cũng không yên. Sau chiến tranh, trong phong trào hợp tác hóa sản xuất, để giải phóng mặt bằng, người ta cho quy tập mồ mả về một địa điểm, mộ của vợ chồng ông cũng không ngoại lệ. May nhờ có bà con và nhân dân phản đối, kiến nghị lên cấp trên nay mới còn mảnh đất hơn một trăm mét vuông trên cánh đồng lúa bát ngát làm nơi yên nghỉ của vợ chồng ông.
Sau này đọc hồi ký của Hoàng Tùng (nguyên Bí thư Trung Ương Đảng), tôi mới biết rằng, thành Hà Nội ngoài các tên Thăng Long, Đông Đô, Đại La, còn có thời mang tên là Hoàng Diệu: “Trong cao trào cứu quốc từ tháng 3-1945, nhiều địa phương được đặt tên mới, theo chủ trương của bác Hồ: Hưng Yên là Tán Thuật, Hải Phòng là Tô Hiệu, Quảng Nam là Trần Cao Vân, Đà Nẵng là Thái Phiên, Quảng Ngãi là Lê Trung Đình, riêng Hà Nội được đặt tên mới là Hoàng Diệu. Thăng Long Hà Nội là nơi tập trung danh nhân của đất nước, sự tuẫn tiết của ông còn lưu truyền, có sức cổ vũ to lớn đối với các thế hệ đang sống! Đặt tên ông cho thành phố thủ đô là nêu cao chí khí dân tộc.” Vì vậy, theo Đại tướng Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy Hà Nội thời đó, các đoàn thể cách mạng cứu quốc như thanh niên, công nhân, tuyên truyền xung phong, đều mang tên Hoàng Diệu.
Làng tôi ở cạnh làng Hoàng Diệu. Hai bên chỉ cách nhau một cánh đồng có đường tàu hỏa chạy qua. Tôi đã đến thăm mộ ông hàng chục lần, nhưng lần nào cũng đi lạc, bởi từ đường cái, có những con đường làng với bờ tre, thửa ruộng, rẽ ra cánh đồng Xuân Đài quá giống nhau. Mỗi lần đi, lộn lui lộn tới, hỏi đường ra thăm mộ ông, trong tôi bỗng cồn cào một nỗi buồn vô cớ. Cũng không biết trách giận ai, một danh nhân như ông, mà một tấm biển nhỏ chỉ đường để đến mộ cũng không có, thì những tấm biển mang tên ông trên các đường phố phỏng có ích gì?
Nhìn ngôi mộ đơn sơ của ông, tôi càng thấm thía hai câu đối của Tôn Thất Thuyết đề bên mộ: “Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện/ Bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khả vô tâm” (Tạm dịch: Một cái chết cho nên anh, đâu phải chí anh hùng từ trước/ Suốt đời trung nghĩa, không thẹn nhìn đại cuộc ngày nay). Ông đã đi hết một cuộc đời, để lại tiếng thơm muôn thuở…
Ý kiến bạn đọc