Multimedia Đọc Báo in

Trầm tích Ninh Bình

05:57, 08/11/2010

Lần đầu tiên đến Ninh Bình, nhìn thành phố bé nhỏ và có phần hơi “quê kiểng”, tôi nghĩ mình chỉ lưu lại đây chừng một ngày thôi. Ai ngờ, trầm tích văn hóa, lịch sử và danh thắng của xứ sở này đã níu bước chân tôi không chỉ một ngày…

Quả không sai với danh truyền là một “Vịnh Hạ Long trên cạn”, sông núi, nước non Ninh Bình đẹp như tranh vẽ. Nhất là danh thắng Tam Động với những ngọn núi đá vôi lớn nhỏ nổi lên trên mặt nước lặng lờ, tựa như một tập Đường thi gồm những bài thất ngôn, tứ tuyệt có niêm luật khắt khe, rõ ràng, nhưng rất gợi…Nơi đây, thánh thơ Cao Bá Quát ngang qua một lần đã hứng khởi trước vẻ đẹp thủy mặc của non nước Ninh Bình nên để lại mấy câu thơ: “Sông tựa dải là cô gái đẹp/ Núi như chén ốc khách làng say (Nhã Bình đạo trung)”. Một liên tưởng quá tài tình, bởi khi bơi thuyền trên dòng Ngân Giang, tôi có cảm tưởng rằng, những “chén ốc” xinh xắn ấy có thể lội xuống và nhặt chúng mang về. Lại có lúc, thế giới đá vôi kỳ ảo kia hiện ra như những mâm quả ai đó đã bỏ quên từ lâu bên ruộng lúa. Có lẽ là của những nàng tiên nữ thuở hồng hoang. Thuở mà đá vôi gặp nước để sinh thành nên Bích Động đẹp thứ nhì trời Nam (Nam thiên đệ nhị động). Trong Tam Cốc còn có Am Thái Vi, nơi lui về yên tĩnh của vị vua đầu triều Trần (Trần Thái Tông-tức Trần Cảnh). Trong sử sách nói rằng, chính vị vua này đã chọn địa thế hiểm trở của hang động Tam Cốc-Bích Động để xây dựng Hành cung Vũ Lâm-con đường kháng chiến chống Nguyên Mông thuở nào. Còn nữa, ở đó có Thiên Hương động thờ Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (mẹ của Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của Nhà Lý, sau nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh). Bà là người có công trong việc giữ gìn cơ nghiệp nhà Trần sau đó, vì thế khi bà mất, dân gian ở đây đã dựng đền thờ và hằng năm tổ chức lễ hội Thái Vi vô cùng long trọng. Đây là một trong những lễ hội được đánh giá là lớn nhất nước với 29 kiệu rước của khách thập phương đến chiêm bái, kéo dài trong nửa tháng.

Theo dòng Ngân Giang để vào thăm Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình)
Theo dòng Ngân Giang để vào thăm Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình)

Lịch sử, văn hóa và danh thắng kỳ thú ở Ninh Bình là khối trầm tích quí giá để vùng đất cổ kính này phát triển du lịch, hấp dẫn biết bao du khách trong và ngoài nước tìm về. Nhìn trên tấm bản đồ làm bằng sơn mài cỡ lớn treo trong Bảo tàng Ninh Bình thì biết, vùng đất cổ này như một “mảnh” cắt ra từ đồng bằng Bắc Bộ, bao bọc bốn phía bởi một “tứ giác” sông nước gồm bốn con sông: Hoàng Long, sông Đáy, sông Vân và Quang Hiến. Cứ hình dung đồng bằng như một chiếc mâm bằng phẳng thì đơn điệu lắm, nhưng Ninh Bình còn có một dãy núi đá vôi ở phía Tây Bắc chạy dài theo hướng Đông Nam, từ dãy Trường Yên đến rặng Tam Điệp chắn ngang con đường thiên lý Bắc-Nam. Chính đá vôi cùng với sông nước đã tạo nên hệ thống hang động đẹp mê hồn, khó nơi nào có được như ở đây. Thêm vào đó, một “biến tấu” đặc sắc nữa của Ninh Bình lưu dấu cho đến ngày nay, khiến bất kỳ ai, khi đặt chân đến đây không khỏi ngỡ ngàng, ấy là bên cạnh một đồng bằng cổ - một bộ phận quan trọng của nền văn minh Sông Hồng ở buổi đầu dựng nước - còn có một đồng bằng trẻ in đậm dấu ấn của công cuộc khẩn hoang vào cuối thế kỷ 18. Nếu đứng giữa cánh đồng rộng lớn của huyện Kim Sơn, ta cứ ngỡ mình đang đứng đâu đó ở Gò Công, Bến Tre... (Nam Bộ). Cánh đồng bằng phẳng, mênh mông được chia ô bàn cờ bởi những sông đào, kênh đào có vô số cầu (cả cầu khỉ) duyên dáng bắt ngang. Vườn tược, làng mạc ở đây thật yên bình. Trong khói lam chiều vấn vương tiếng chuông từ Nhà thờ đá Phát Diệm ngân lên khiến lòng người ta nhớ về tiếng đồng vọng của những ngày quai đê, lấn biển mở đất, lập làng cách đây gần hai thế kỷ mà vị khai canh có nhiều công trạng hiển hách ấy chính là người Anh hùng dọc ngang Nguyễn Công Trứ.

Tháng 10 năm nay kỷ niệm 1000 năm, ngày Lý Công Uẩn xuống Chiếu dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Điều đó hối thúc tôi tìm về kinh đô xưa của đế chế phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam để nhìn lại và mê mải với bao nỗi thăng trầm, bi hùng của lịch sử dân tộc. Trước khi trở thành kinh đô, Hoa Lư là lũy thành kiên cố và hiểm trở giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân. Sau khi trở thành kinh đô của nước Đại Cồ Việt (năm 968), thành Hoa Lư vững chãi còn giúp vua Đinh-Lê “kháng Tống bình Chiêm”. Thành Hoa Lư thuở ấy chính là ba dãy núi đá vôi tạo nên trường thành tự nhiên và một dãy thành được đắp bằng đất ở phía Bắc, Đông Nam, bây giờ vẫn còn dấu vết vài đoạn thành sụp đổ. Đó là điểm khác biệt so với thành Thăng Long, Tây Đô (thành nhà Hồ) và Phú Xuân-Huế. Hoa Lư cũng là kinh đô duy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam không có thế đất đế vương “rồng chầu, hổ phục”. Bởi nhìn lại, khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, đổi tên nước là Đại Cồ Việt, lấy niên hiệu là Thái Bình, thì nền “thái bình” như trăm họ hằng mong vẫn chưa hiện hữu, phía Bắc và phía Nam vẫn còn “Tống thịnh, Chiêm cường”. Ngay trước Ngọ môn quan của đền thờ vua Đinh vẫn khắc sâu dòng chữ “ Bắc Môn tỏa thược” (nghĩa sâu xa là đề phòng giặc Bắc”. Sau khi chọn địa hình hiểm trở của vùng đất Hoa Lư làm kinh đô, Đinh Tiên Hoàng vẫn chưa kịp xây dựng gì thì giặc Tống tràn sang. Phải đợi đến khi Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn phá xong giặc Tống, lên ngôi lấy hiệu là Lê Đại Hành, mở ra triều đại nhà Lê thì một kinh đô Hoa Lư với cung điện nguy nga mới được xây dựng. Qua hơn ngàn năm, những Điện Bách Bảo, Thiên Tuế, Bồng Lai, Cực Lạc ấy đã không còn nữa, nhưng dấu ấn lịch sử của Hoa Lư thì vẫn tồn tại vĩnh hằng. Đó là kinh đô đầu tiên của một nước Đại Cồ Việt độc lập do một vị vua đầu tiên ở trời Nam này dám xưng đế (Đinh Tiên Hoàng Đế), chấm dứt một ngàn năm đô hộ phương Bắc, mở đầu cho nền phong kiến chính thống Việt Nam. Dấu ấn huy hoàng ấy vẫn còn minh chứng một cách sinh động bằng chiếc mão (mũ) Bình Thiên và chiếc áo Long Bào quyền lực còn tồn lưu qua bao nhiêu dâu bể. Những kẻ hậu sinh mịt mù hơn ngàn năm sau như tôi đã lặng người đi rất lâu trước hai hiện vật (trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Ninh Bình) vô giá mà cha ông ta phải đấu tranh bền bỉ để được cái hình vuông “ngang trời” (Bình Thiên) và cái màu vàng Long Bào ấy. Trước đó, Lý Bôn đã từng xưng đế (Lý Nam Đế), đặt tên nước riêng Vạn Xuân, niên hiệu riêng “Thiên Đức” và Mai Thúc Loan cũng đã từng là Mai Hắc Đế. Nhưng thực chất nước Vạn Xuân vẫn chưa thoát khỏi số phận một quận, huyện Bắc thuộc Đường-Tống.

Bắt đầu từ bến đò Ga xã Vân Trình - huyện Gia Viễn, du khách có thể thăm thú Hành cung Vũ Lâm của nhà Trần thời kháng chiến chống Nguyên - Mông.
Bắt đầu từ bến đò Ga xã Vân Trình - huyện Gia Viễn, du khách có thể thăm thú Hành cung Vũ Lâm của nhà Trần thời kháng chiến chống Nguyên - Mông.

Kinh đô Hoa Lư của buổi đầu độc lập đã chứng kiến bao cuộc thăng trầm của các triều đại phong kiến đầu tiên ấy, còn đến hôm nay là đền thờ hai vua Đinh-Lê đơn sơ nằm trong khu hoàng thành rêu phong u tịch.  Về cố đô Hoa Lư là về với cội nguồn lịch sử trải hơn một ngàn năm với Hành cung Vũ Lâm,  với Am Thái Vi đã có lúc là “trái tim” nhà Trần trong ba lần đại phá quân Nguyên. Hoa Lư còn là một trung tâm tôn giáo lớn thời Lý. Trước khi các vị vua nhà Lý phát triển rực rỡ tinh hoa Phật giáo thì người ta đã tìm thấy một bộ Kinh Phật được tạc trên một trăm cột đá ở ngôi chùa ven sông Hoàng Long, do con cả vua Đinh: Nam Việt Vương Đinh Liễn cúng dường.

Nhìn lại để thấy rằng, cố đô Hoa Lư là một quần thể di tích sâu rộng, có vị trí quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Những cung điện, đền thờ, đồn lũy phòng vệ giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền độc lập… vẫn còn đó và luôn gợi nhớ trong tâm tư mọi người về một chặng đường lịch sử đã qua. Riêng câu chuyện về Thái hậu Dương Vân Nga- “Hoàng hậu của hai triều” với bao nỗi niềm riêng tư cùng vận nước thuở Đinh - Lê cũng đủ níu chân du khách ở lại thêm một đêm bên dòng Vân Sàng mà mường tượng trong một đêm mưa gió bão bùng đã đưa hai số phận Vân Nga-Lê Hoàn gặp nhau, để hôm sau không thể không vào thăm Tam Cốc- Bích Động vốn nổi danh là đẹp thứ nhì trời Nam.

 

Đình Đối

 


Ý kiến bạn đọc