Multimedia Đọc Báo in

Suối nước nóng Triêm Đức - Vẻ đẹp hoang sơ quyến rũ của Phú Yên

14:59, 18/04/2011
Cách thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) đi ngược về hướng đầu nguồn sông Kỳ Lộ khoảng 7km, phía dưới Vực Lò, suối nước nóng Triêm Đức thuộc thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2 quanh năm tuôn chảy, từ lâu trở thành điểm tham quan, trị liệu của người dân địa phương và du khách gần xa...
 
Mặc dù không cách xa khu dân cư, lại được phát hiện từ lâu nhưng suối nước nóng Triêm Đức vẫn còn hoang sơ với vẻ đẹp quyến rũ. Du khách khi đến suối nước nóng phải tự túc về thức ăn, nước uống. Với dòng nước nóng, du khách có thể luộc chín thịt gà, thịt bò, thịt heo và các loại trứng khác. Do vậy, bất cứ nhóm “đi phượt” nào khi đến đây cũng có thể chuẩn bị sẵn thực phẩm tươi sống để chế biến, nấu nướng và thưởng thức tại chỗ một cách ngon lành.
 
Dòng suối nước nóng Triêm Đức phát xuất từ khối đá to nằm trên bãi cát sát dòng sông Kỳ Lộ. Từ khối đá này, có ba dòng nước nóng tuôn chảy róc rách theo những rãnh nhỏ suốt ngày đêm, với độ nóng 50 - 70 0C.
 
Điều kỳ thú là lòng suối nước nóng được cấu tạo phun ra trên một mỏm núi đá như có bàn tay con người xếp đặt; những phiến đá trắng hồng chồng lên nhau, xếp thành bậc tam cấp, nhìn từ xa trông như một lò nung gạch, có lẽ vì thế mà nơi đây còn có tên vực Lò.
 
Phía trên mỏm đá suối nước nóng là một đồi núi dọc dài, tạo vòng cung cho bờ vực sâu hóm, trong xanh. Những buổi sáng sớm mùa đông, được tắm từ chỗ nước nóng phun ra hợp lưu với dòng sông Kỳ Lộ, như được bữa xông hơi thỏa thích; được ngắm những cột khói đá bốc hơi, trời nước lãng đãng mây ngàn, trông rất huyền ảo và thơ mộng.
 
Lúc trời dịu mát, hơi nước bốc lên có thể nhìn thấy được nên từ lâu nơi đây là điểm tham quan lý tưởng cho mọi người. Thi vị hơn, khách có thể vừa tắm vừa trải rộng tầm mắt ngắm vẻ đẹp kỳ vĩ của núi rừng lẫn trong tiếng suối róc rách, tiếng chim hót lảnh lót, tiếng gà rừng gáy vang… tạo nên những âm hưởng miên man bất tận. Nhưng điều thú vị nhất khi đến dòng suối này là có thể ngâm mình dưới lớp bùn non ấm áp của dòng nước nóng chảy ra. Suối nước nóng có chất lưu huỳnh nên dân làng và các vùng lân cận thường lấy nước về uống để chữa bệnh đường ruột. Còn khi dùng nước để tắm và gội đầu thì trong người cảm giác thật khoan khoái, dễ chịu.
 
Bên suối nước nóng là khu rừng sinh thái đặc biệt, ngoài những thảm thực vật xanh mát rượi, rừng có nhiều gỗ quý như cốc da đá, sầm, trắc, lành ngạnh, bằng lăng... với các loài hoa phong lan: trường kiếm, phượng vĩ, mai lan, dương xỉ và cây thuốc chữa bệnh mạch lươn cực hay. Ngày xưa, rừng nơi đây còn là “hòn cấm”, cây cối um tùm rậm rạp. Đồi núi này như một vườn sinh thái an lành cho các loài chim muông, thú rừng: gấm, chồn, công, gà sao, trĩ, chim xanh, gầm gì, cu đất… rừng cả ngày không ngớt tiếng chim chao lượn, reo hót véo von. Bên trái vực Lò là một vừng cát trắng cho những đàn chim xanh, cu đất về đây tắm nắng, nhặt sạn. Phía dưới suối nước nóng, cách chừng trăm mét là một đầm sen dài 200m, sâu cả mét nước; mùa hạ sen nở rực hồng lẫn trong sắc xanh yên ả của cánh đồng.
G.T ( Giới  thiệu)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.