Khi tham quan Ba Bể, bạn sẽ có được niềm vui thật kỳ lạ, khi được du ngoạn một hồ nước với 3 nhánh lớn: Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng có diện tích tổng cộng 5 km
2, độ sâu từ 25 đến 35m, nằm vắt vẻo trên độ cao 150m so với mặt biển.
Đầu tiên bạn sẽ tới bờ hồ Pé Lầm, đông người thì thuê một thuyền gỗ lớn có gắn máy, ít người và ưa mạo hiểm thì thuê vài chiếc thuyền độc mộc do các cô gái Tày áo xanh uyển chuyển chèo lái, từ một đến hai ngày là bạn sẽ có một cuộc du ngoạn lý thú và bất ngờ.
|
Ao Tiên |
Điều bất ngờ đầu tiên là ngay trên hòn đảo trong hồ Pé Lầm lại có một cái hồ nhỏ tên là: Ao Tiên. Tại đây, bạn có thể thoả thuê tắm mát song bạn sẽ chẳng thể nào hiểu được vì sao ở tít trên đỉnh núi đá vôi cao hơn mặt hồ khoảng 100m, mà nước Ao Tiên vẫn đầy ắp trong veo.
|
Đảo An Mã |
Ở Pé Lù, từ mồng 7 đến 10 tháng Giêng Âm lịch, bạn sẽ được ghé thuyền vào đảo An Mã dự Hội xuân Ba Bể cùng dân làng. Tại đây, bạn tha hồ cổ vũ hoặc tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống: thi bơi thuyền độc mộc, bịt mắt bắt dê, chọi bò, đấu vật, ném còn giao duyên...
|
Gò Bà Góa |
Đến Pé Lèng, bạn nhớ ghé thăm đảo Pò Giả Mải - tức Gò Bà Goá, nơi đặt tấm bia đá niên hiệu Khải Định thứ 9 (1925) ghi lại truyền thuyết về sự hình thành Ba Bể - một câu chuyện xúc động đề cao lòng nhân ái của con người.
|
Sông Năng |
Từ Pé Lèng chảy xuôi chừng 800 mét, dòng sông Năng xuyên qua khối núi đá vôi Lũng Nham tạo ra Động Puông dài 300 mét cao 30 mét, nhũ đá muôn hình vạn trạng, huyền ảo, lung linh.
|
Động Puông |
Rời Động Puông, thuyền lướt êm qua bản Tàu, bản Cắm đến bản Húa Tạng thì dòng sông Năng bị hàng trăm tảng đá lớn chặn lại khiến nó phải tách ra nhiều dòng nhỏ, chảy xiết, tạo thành thác Đầu Đẳng hùng vĩ. Thác dài tới hơn 1.000m, tạo thành ba bậc với khí mát từ thác nước toả ra, khiến con người bỗng trở nên sảng khoái.
|
Thác Đầu Đẳng |
Từ trên cao nhìn xuống, dòng sông Năng, sông Chợ Lèng, suối Tả Han, suối Nà Phòng... như những dải lụa mỡ gà óng ả, uốn lượn ven hồ, quanh năm cung cấp nước để mặt hồ luôn đầy ắp, xanh trong, trong đến mức bằng mắt thường bạn có thể nhìn thấy nhiều loại thực vật thuỷ sinh nằm sâu trong nước.
Cả một phức hệ bao gồm: hồ, sông, suối, núi rừng và hang động đã giữ cho nước hồ Ba Bể có nhiệt độ trung bình cả năm 22
oC ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, để Ba Bể là nơi nghỉ ngơi du ngoạn lý tưởng 4 mùa của khách thập phương.
Ba Bể càng đẹp hơn bởi tài nguyên rừng phong phú, đa dạng, như: 87 loài cá nước ngọt đặc trưng của vùng đông bắc Việt Nam, trong đó có các loài quý hiếm như cá chép kình, rầm xanh, anh vũ và cá lăng. Trên rừng, đã phát hiện 620 loài thực vật (có nhiều loại gỗ quý: đinh, trai, nghiến, lát..), 38 loài thú, 111 loài chim, 100 loài bướm, 18 loài bò sát... Trong đó có các loài đặc hữu: trúc dây, tảo đỏ, voọc mũi hếch, voọc đen má trắng; các loài quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam: phượng hoàng đất, gà lôi, công trĩ, hươu xạ, gấu ngựa, báo hoa mai...
|
|
Ba Bể còn là nơi ẩn chứa kho tàng văn hoá nghệ thuật truyền thống lâu đời, phong phú và độc đáo: truyện thần thoại cổ tích, ca dao, dân ca, nhạc cụ dân tộc với các làn điệu hát lượn ới, hát lượn then, lượn soi… Dù bạn nghỉ qua đêm ở khách sạn trong khu trung tâm Vườn Quốc gia Ba Bể, hay một ngôi nhà gỗ khang trang, thoáng mát, ở các bản làng nằm rải rác ven hồ - bạn đều có thể được nghe đàn, nghe hát. Những tiếng đàn, lời hát làm say đắm lòng người và người đàn, người hát chẳng phải ai xa lạ mà chính là các cô gái Tày áo xanh, xinh đẹp duyên dáng đã chèo thuyền độc mộc đưa du khách trên hồ, hay là người đầu bếp tài ba, tác giả của những món ăn đặc sản dân tộc mà bạn đã may mắn thưởng thức.
Đã bao đời nay, khi nói đến thắng cảnh nổi tiếng này người ta không thể không nhắc đến hình ảnh tuyệt vời của các cô gái Tày xinh đẹp: "Bắc Kạn có suối đãi vàng, có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh".
Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) vừa công nhận hồ Ba Bể là khu Ramsar (vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới) tiếp theo của thế giới và là vùng đất thứ 3 của Việt Nam được UNESCO công nhận là khu Ramsar, sau khu Xuân Thủy ở tỉnh Nam Định và khu Bàu Sấu ở tỉnh Đồng Nai. |
Ý kiến bạn đọc