Thăm lăng mộ cụ Đồ Chiểu
Ba Tri là huyện cuối cùng của tỉnh Bến Tre, nằm phía đông Cù lao Bảo, tiếp giáp biển. Từ thị xã Bến Tre về Ba Tri theo Tỉnh lộ 26 chừng 35 km, dọc đường đi là những vườn dừa và vườn trái cây râm mát. Thị trấn Ba Tri khá sầm uất bởi nơi đây là đầu mối giao thông, mua bán, trung chuyển hàng nông – lâm - hải sản... Từ Ba Tri đến lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu chừng 1 km.
Khu di tích lăng mộ và đền thờ Nguyễn Đình Chiểu được xây dựng vào năm 1972 và khánh thành năm 1974, có quy mô nhỏ, gọn nhưng trang trọng, đến nay vẫn còn trong khuôn viên nhiều cây cao bóng mát. Trong nhà tưởng niệm cũ, ngoài tượng và bài vị thờ cụ Đồ Chiểu còn có treo tranh vẽ chân dung của các vị anh hùng dân tộc như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Phan Tòng... và trích đoạn những tác phẩm văn học của cụ Đồ.
Lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh T.L |
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Phía sau, ở phía bên trái nhà tưởng niệm cũ là phần mộ cụ Đồ với phu nhân. Gần bên đó là nơi yên nghỉ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Bà là một trong những nhà thơ, nhà báo nổi tiếng ở Nam Bộ.
Nguyễn Đình Chiểu là nhà giáo mẫu mực, là nhà thơ lớn nổi tiếng ở Nam Bộ và cả nước. Những tác phẩm của cụ phản ánh tinh thần yêu nước, đề cao trung, hiếu, tiết nghĩa. Khi giặc Pháp xâm chiếm Gia Định, cụ lui về ẩn cư ở Ba Tri, tỉnh Bến Tre tiếp tục dạy học và làm thuốc. Với nhiệt tình yêu nước, cụ liên hệ mật thiết với các nhóm nghĩa binh của Lãnh binh Trương Định, Đốc binh Nguyễn Văn Là; dùng văn chương kích động lòng yêu nước của sĩ phu và nhân dân. Cụ là cây bút cuối cùng của dòng văn học Hán - Nôm và tác phẩm được truyền tụng rộng rãi cho đến nay là “Lục Vân Tiên”. Cụ mất năm Mậu Tý (1888), ngày 25-5 âm lịch, thọ 66 tuổi. Cả nước đều thương tiếc cụ.
Hằng năm, nhân dân tỉnh Bến Tre thay mặt đồng bào cả nước chọn ngày sinh của cụ (1-7) để tổ chức tưởng niệm một cách trọng thể.
Ý kiến bạn đọc