Multimedia Đọc Báo in

Thăm nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công

19:23, 02/10/2011

Đồng chí Võ Chí Công là người gắn bó máu thịt với quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng, đã có những đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng và xây dựng, phát triển kinh tế ở vùng đất này. Năm 2003, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Nam đã xây dựng trên nền đất cũ của gia đình đồng chí Võ Chí Công một ngôi nhà lưu niệm bề thế, khang trang để lưu giữ những hình ảnh, những kỷ vật một thời gắn bó với đồng chí Võ Chí Công.

Khu nhà lưu niệm tọa lạc trên một khu đất có diện tích 7.989 m2, thuộc thôn 4 (Khương Mỹ), xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; cách trung tâm thành phố Tam Kỳ khoảng 4km về hướng tây nam. Nhà lưu niệm được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống “tiền khách hậu tự”, bàn thờ đặt chính giữa, hai gian 2 bên và có hiên phía trước, 2 chái thông nhau và có lối ra ở phía nhà tiếp khách; đây chính là cấu trúc tam đoạn, cấu kiện bằng gỗ và mái lợp ngói âm dương, mặt quay về hướng nam. Trong nhà bài trí những hiện vật như: chiếc rương gỗ, bộ ván nằm (phản) bằng gỗ mít... mà trước đây gia đình đồng chí Võ Chí Công đã dùng; hình ảnh gia đình, chân dung thân phụ đồng chí Võ Chí Công, hình ảnh đồng chí Võ Chí Công thời niên thiếu... Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ những hiện vật mà các tổ chức, cá nhân trong  và ngoài tỉnh gửi tặng nhân dịp lễ khánh thành khu lưu niệm.

Nhà trưng bày gồm 3 gian, kết cấu gỗ, 4 mái, lợp bằng ngói âm dương, có 2 buồng, vách ngăn, bố trí vuông góc với nhà lưu niệm, mặt quay về hướng đông. Tại đây, Bảo tàng Quảng Nam đã sưu tầm, phục chế trên 50 hiện vật, tư liệu và gần 200 ảnh lớn nhỏ, có liên quan trực tiếp đến cuộc đời hoạt động của đồng chí Võ Chí Công từ năm 1945 đến nay. Tất cả các hiện vật, tư liệu, hình ảnh được bài trí khá trang trọng, sắp xếp theo từng giai đoạn tham gia đấu tranh cách mạng của đồng chí trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Qua đó chúng ta thấy được vai trò lãnh đạo của đồng chí Võ Chí Công quan trọng như thế nào đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc của Khu V.

 
Khách tham quan có thể bắt gặp ở đây những hình ảnh tư liệu rất quý giá trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công, như ảnh đồng chí Võ Chí Công và bà Phan Thị Nễ, người bạn đời, vừa là đồng chí, đồng đội đã cùng ông lãnh đạo nhân dân Hội An đứng lên giành chính quyền ở thị xã trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945; hay hình ảnh của đồng chí Võ Chí Công cùng các đồng chí lãnh đạo Khu ủy V trong những ngày đầu ở chiến trường Khu V; hình ảnh đồng chí Võ Chí Công ngồi nghỉ giữa núi rừng khu V, trên phiến đá bên một thác nước rất bình dị, đời thường;  hình ảnh đồng chí Võ Chí Công đang ngồi trên thuyền chuẩn bị xuống cơ sở kiểm tra tình hình chuẩn bị Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở các địa phương. Tại đây, khách tham quan có thể hình dung thời khắc lịch sử của Quảng Nam – Đà Nẵng với hình ảnh đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy khu V cùng Bộ Tư lệnh Quân khu V hạ quyết tâm giải phóng Đà Nẵng; rất nhiều hình ảnh hoạt động của đồng chí Võ Chí Công khi đồng chí được Đảng và Nhà nước giao cho những trọng trách quan trọng, hình ảnh tiếp các đoàn khách quốc tế hay những hình ảnh đồng chí Võ Chí Công chụp với lãnh đạo các nước... Bên cạnh đó còn có 2 bộ sưu tập ảnh và 4 cuốn album thể hiện tình cảm thân thương của đồng chí Võ Chí Công đối với các cháu thiếu niên nhi đồng, với quê hương, đồng bào, đồng chí những nơi mà ông đã từng chiến đấu và công tác, những hình ảnh về những chuyến về thăm lại chiến trường xưa, những hình ảnh về gia đình... Cũng tại đây, trưng bày những hiện vật liên quan đến sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Chí Công như: chiếc võng và tấm chăn bằng vải dù, cà mèn đựng thức ăn, bộ đồ bà ba đen, chiếc gậy, cái đèn tự tạo, bộ dao cạo râu, hộp thuốc chữa bệnh, đôi dép da...

Vừa qua, ngay sau khi đồng chí Võ Chí Công từ trần (8-9-2011), bức di ảnh của đồng chí đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam trân trọng đưa về nhà lưu niệm để lập bàn thờ hương khói thường xuyên cho đồng chí.

Mai Hồng Lâm

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.