Multimedia Đọc Báo in

Thánh địa Mỹ Sơn

16:41, 16/10/2011

Thánh địa Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng bao quanh bởi đồi núi. thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Từ năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới, từ đó khu thánh địa này thu hút khách du lịch tới thăm ngày một nhiều hơn.

Theo tài liệu lịch sử, Mỹ Sơn bắt đầu được xây dựng vào thế kỷ thứ IV. Hơn hai thế kỷ sau đó, ngôi đền đầu tiên được xây dựng bằng gỗ đã bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ thứ VII, vua Sambhuvarman đã xây dựng lại ngôi đền bằng những vật liệu bền vững hơn, còn tồn tại đến ngày nay. Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ XIII, Mỹ Sơn là thánh địa Ấn Độ giáo và là trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Chămpa. Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc chủ yếu chịu ảnh hưởng phong cách Ấn Độ giáo. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadravarman, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ IV kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.

Bệ thờ Linga và Yoni - Mỹ Sơn (Tháp B1, thế kỷ XIII).
Bệ thờ Linga và Yoni - Mỹ Sơn (Tháp B1, thế kỷ XIII).
Trong lịch sử, thánh địa Mỹ Sơn từng bị tàn phá nhiều lần do các cuộc chiến tranh. Và cho tới năm 1470 khi vương quốc Chămpa chấm dứt, thánh địa Mỹ Sơn không còn được người Chăm thờ phụng, bỏ hoang phế, lãng quên nhiều thế kỷ trong rừng rậm. Đến năm 1885, thánh địa Mỹ Sơn mới được nhà thám hiểm người Pháp là ông C.Paris phát hiện ra. Mười năm sau các nhà khoa học mới bắt đầu thực hiện cuộc phát quang, nghiên cứu khu di tích này và nhiều hiện vật tiêu biểu trong đó, đặc biệt là những tượng vũ nữ, các thần linh thờ phượng của dân tộc Chăm, những con vật thờ cũng như những cảnh sinh hoạt cộng đồng đã được đưa về thành phố ÐĐà Nẵng đặt tại bảo tàng kiến trúc Chăm Đà Nẵng.

Suốt 40 năm đầu thế kỷ XX, Mỹ Sơn đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học Pháp. Trải qua nhiều cuộc tìm kiếm và khai quật, năm 1904, hai nhà khảo cổ Launet Finot và H.Parmentier đã công bố những tài liệu cơ bản nhất về Mỹ Sơn. Qua các công trình nghiên cứu của H.Parmentier, thánh địa Mỹ Sơn được Viện Nghiên cứu Viễn Đông cho trùng tu sửa chữa nhiều lần. Nhưng đến năm 1945, chiến tranh nổ ra, Mỹ Sơn không những không được tu bổ mà còn bị bom đạn phá hủy. Thảm họa lớn nhất đối với Mỹ Sơn là đợt ném bom rải thảm máy bay B52 của Mỹ hồi cuối năm 1969 đã phá sập toàn bộ khu tháp chùa kì vĩ bằng đá cao 30 mét. Đây là ngôi đền đá duy nhất của các di tích Chăm. Hiện Mỹ Sơn chỉ còn lại 20 ngôi tháp gạch nhưng phần lớn bị đổ nát.

Dù số lượng tháp còn lại không nhiều và bị hư hỏng nặng và dù không đồ sộ, kì vĩ như Angkor (Campuchia), Pagan (Myanma), và Borobudur (Indonesia)… nhưng thánh địa Mỹ Sơn vẫn là khu đền tháp quan trọng nhất của người Chăm và vẫn có vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa nghệ thuật vùng Đông Nam Á. Thánh địa Mỹ Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận di tích quốc gia. Ngày 1-12-1999, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới, thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới. Thánh địa Mỹ Sơn đã được trùng tu bởi E.F.E.O (Ecole Francaise d’Extreme Orient) trong thời gian từ 1937 đến 1944. Đến năm 1975, trong số 32 di tích còn lại, chỉ có khoảng 20 đền, tháp còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Từ năm 1981 đến 1991, thánh địa Mỹ Sơn được bảo quản và tu sửa từng phần với sự giúp đỡ về chuyên môn của công ty P.K.Z (Ba Lan).

Nguyễn Văn Sơn

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.