Thiên Ấn Niêm Hà
Một dải sông Trà chảy sậm xanh
Người Quảng Ngãi xưa nay vẫn tự hào về “Quảng Ngãi thập cảnh”, tức mười cảnh đẹp của xứ Quảng do cụ Nguyễn Cư Trinh, một văn thần thời nhà Nguyễn đề tựa, trong đó núi Thiên Ấn là đệ nhất danh thắng cảnh ở đây. Núi nằm ở phía đông huyện Sơn Tịnh, thuộc thôn An Bường, xã Tịnh An. Đỉnh núi bằng phẳng, rộng chừng 10 ha, bốn mặt vuông vức trông giống hình cái ấn. Nếu đi thuyền từ hạ lưu, ngược dòng, lúc gần đến thành phố Quảng Ngãi, du khách sẽ hình dung quả núi giống như một cái ấn trời đóng xuống giữa dòng sông, cho nên mới gọi là “Thiên Ấn Niêm Hà”. Đối diện với núi Thiên Ấn bên kia sông là núi Thiên Bút, còn gọi là “Thiên Bút Phê Vân” tức “Ngọn bút trời vẽ mây”, nhưng từ lâu hòn Ấn lúc nào cũng lấn hòn Bút.
Núi Ấn sông Trà. Ảnh: T.L |
Đường lên núi Ấn theo hình xoáy trôn ốc xuất phát từ phía nam dẫn lên đỉnh theo chiều kim đồng hồ. Sở dĩ có đường vòng dài cả cây số như thế là để du khách khỏi bị dốc ngược khó đi, đồng thời có dịp đưa mắt ngắm cảnh trời mây, non nước.
Đứng từ trên đỉnh, du khách tha hồ ngắm dòng sông Trà thơ mộng, thướt tha dải lụa từ Trường Sơn hùng vĩ đổ ra cửa Cổ Lũy và biển Đông bao la, nhuộm một màu xanh lục phẳng lì; phía tây là núi Thạch Bích hoành tráng lẫn trong mây và phía nam là thành phố Quảng Ngãi phố xá ngang dọc, nhà cửa lô nhô, xa xa là Thiên Bút Phê Vân ... hiên ngang, thanh thoát.
Và những buổi chiều tà hay những đêm trăng gió mát, dòng khách không khỏi bâng khuâng thoát tục khi nghe tiếng chuông chùa ngân vang đưa xa theo làn gió...
Chùa Thiên Ấn nằm trên đỉnh núi là ngôi chùa xưa nhất và lớn nhất ở Quảng Ngãi. Chùa ban đầu chỉ là một cái am nhỏ sau đó được sư Pháp Hóa xây dựng thành ngôi chùa to lớn vào năm 1695, đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 17 l7, chùa Thiên Ấn trở thành một trung tâm đạo giáo và được Chúa Nguyễn Phúc Chu đích thân ngự đế sắc phong bảng vàng “THIÊN ẤN TỰ”. Từ ngày đó đến nay, đã hơn ba trăm năm, chùa đã nhiều gần trùng tu và xây dựng lai. Chùa Thiên Ấn gồm một ngôi chánh điện và hai nhà đông tây, tạo thành chữ “KHẨU”, phía trước chùa có hai lầu để chuông và trống, hai miếu thờ sơn thần, bình phong và trụ biểu.
Đến thăm viếng chùa Thiên Ấn, du khách không khỏi thán phục công trình giếng nước cổ có độ sâu 21m. Giếng nước này được đào từ đời vị tổ sư khai sơn (1695) mà theo dân gian thường gọi là “Giếng Phật”. Theo truyền thuyết, nhà sư đã bỏ công sức trong vòng hai mươi năm mới đào đến được mạch nước. Khi đào xong vị sư đó “tịch”. Câu ca dao sau đây như nhắc nhở đến công lao của vị sư đó:
Đến khi có nước không còn tăm hơi
Du khách còn được thấy một quả chuông đồng to lớn, cao gần 2m, đường kính 0m70, chung quanh có trang trí nhiều hoa văn đẹp, dân gian gọi chuông này là “Chuông thần”.
Cách chùa không bao xa là mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước và là một nhà báo nổi danh đã được chính quyền cách mạng và nhân dân Quảng Ngãi an táng tại đây vào năm 1947.
Năm 1990, chùa Thiên Ấn cùng với núi Thiên Ấn và phần mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận và xếp hạng di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia. Ngày nay, quần thể núi Thiên Ấn nằm bên bờ Trà Giang trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng, là hình ảnh biểu trưng của đất Quảng Ngãi.
Ý kiến bạn đọc