Multimedia Đọc Báo in

Khám phá D’ray Nur

18:38, 06/11/2011

D’Ray Nur theo tiếng Êđê có nghĩa là thác Con dúi (D’Ray: thác, Nur: con dúi). Thác nằm trên sông Sêrêpôk, đoạn chảy qua buôn Kuôp, xã D’Ray Sáp (Krông Ana). Dòng thác này được mệnh danh là Đệ nhất hùng vĩ thác Tây Nguyên.

Gọi như thế quả không ngoa chút nào. Đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh tượng vừa hùng vĩ vừa nên thơ của thác. Sông Sêrêpôk đang phẳng lặng hiền hòa bỗng gặp một vực đá sâu liền ầm ầm lao thẳng xuống, tiếng thác chảy rền vang một góc trời như có hàng ngàn dàn chiêng đang hòa tấu. Một bức tường nước cao chừng 30m, dài chừng 200m giăng ngang trời xanh, trắng xóa, mịt mờ. Dưới chân thác, mặt nước mênh mông, nước xoáy cuồn cuộn, sủi bọt, sôi réo. Sóng vỗ oàm oạp vào bãi đá mấp mô ven bờ. Quanh thác, những cánh rừng khộp, rừng le vẫn còn nguyên vẻ hoang sơ đứng trầm mặc

 
Cũng như biết bao tên núi, tên sông, tên đất trên cao nguyên này, mỗi cái tên gắn liền với một huyền thoại, D’Ray Nur cũng mang trong mình một truyền thuyết. Chuyện kể rằng: ngày xưa, có chàng hoàng tử con của Yang Ea (Vua Nước) rất khôi ngô, tuấn tú. Chàng thường rời thủy cung lên trên cạn dạo chơi, ngắm cảnh núi rừng, hoa lá, cỏ cây. Trong một lần dạo chơi, chàng bắt gặp hai cô gái đẹp đang lang thang trong rừng. Hai nàng chính là con gái của một m’tao (tù trưởng) trong vùng. Nhưng vị tù trưởng, cha của hai nàng, đã chết trong một trận giao chiến đẫm máu với một bộ tộc khác. Không còn người thân, không ai chăm sóc, hai nàng phải vào rừng đào củ, hái rau kiếm ăn qua ngày. Hoàng tử đem lòng yêu thương nhưng hai cô gái đều tìm cách lảng tránh vì cho rằng mình nghèo khổ không xứng với chàng. Hoàng tử đã hóa phép làm cho nhà các cô gái có nhiều chiêng nhiều ché,  kho nhiều gạo, heo gà đầy sân, trâu bò đầy chuồng. Cảm phục lòng tốt của chàng, hai cô gái mới chịu “ bắt” hoàng tử về làm chồng. Được ít lâu, hoàng tử từ biệt hai người vợ của mình để về thủy cung thăm cha. Vua Nước biết chuyện đã ngăn cấm không cho con trai mình quay lại trần gian. Tuy vậy, vì thương nhớ, hoàng tử vẫn tìm cách trốn cha, trở về sống bên hai người vợ yêu quý. Cho đến một ngày, hoàng tử lại nhớ cha. Chàng lại tìm về thủy cung. Nhưng lần này, hai người vợ không chịu cho chồng đi một mình. Chàng đi tới đâu, hai nàng theo đến đấy. Buộc lòng, hoàng tử phải hóa phép biến thành con dúi vàng, lặn xuống, chui vào lòng thác, nơi có cung điện của vua cha. Hai nàng đứng ở bên dòng thác, chờ mãi, chờ mãi nhưng không thấy hoàng tử trở về... Người đời sau đã đặt tên thác là D’Ray Nur để ghi nhớ mối tình bi thương và cảm động này.

Từ lâu, D’Ray Nur đã trở thành một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh. Đến đây vào mùa khô, nước cạn hơn, nếu ưa mạo hiểm, bạn sẽ có dịp khám phá những bí ẩn trong lòng thác. Dưới sự hướng dẫn và trợ giúp của các hướng dẫn viên của khu du lịch, bạn sẽ vượt qua những gộp đá hiểm trở, vượt qua những duềnh nước xoáy ra tới tận chân thác, nơi những cột nước đang ầm ầm đổ xuống. Giữa bức tường nước và vách đá là một khoảng trống rộng hàng trăm mét vuông với những vòm hang như hàm ếch, những khối đá hình thù kỳ dị. Người ta bảo rằng đó là thủy cung của Vua Nước, nơi chàng hoàng tử Nur đã bị ép buộc ở lại nên đã không thể trở về với hai người vợ yêu dấu nơi trần gian.

Hoàng Minh Sơn

Ý kiến bạn đọc