Multimedia Đọc Báo in

Ngôi đình cổ nhất và to nhất xứ Quảng

18:40, 06/11/2011

Theo truyền thuyết cũng như theo lời kể của các bô lão trong làng Chiên Đàn (nay thuộc thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) thì đình Chiên Đàn được xây dựng 70 năm sau khi Hồ Hán Thương lập An Phủ Sứ cai trị xứ này, vào khoảng 1471-1473. Tục truyền rằng, khi vua Lê Thánh Tông đi kinh lý Chiêm Thành có nghỉ ở đây, thời ấy, làng Chiên Đàn thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa (1471). Như vậy, tính đến nay đình Chiên Đàn đã có niên đại trên 530 năm và có lẽ đây là ngôi đình cổ nhất còn tồn tại trên đất Quảng Nam.

Đình thờ các vị thành hoàng, các vị thần được vua chúa phong sắc, các bậc tiền bối, tiền hiền, hậu hiền có công khai canh, khai cư lập nên làng xã Chiên Đàn. Tuy vậy đến nay vẫn chưa xác định rõ họ nào là Tiền hiền. Hiện tại, họ Ung được xem là Tiền hiền, còn hậu hiền là những tộc họ như: Phan, Nguyễn, Đống, Võ, Cao...

 
Về kiến trúc trước đây, qua mô tả của những người lớn tuổi trong làng cũng như qua tìm hiểu của chúng tôi thì đình là một hệ thống được xây dựng trên một khuôn viên rộng, bao gồm luôn cả dãy chợ phía trước. Muốn vào đình phải qua một nhà Võ Ca (dùng để đấu võ và ca hát trong những ngày lễ hội...). tương tự như một sân khấu có mái che hẳn hoi. Sau đó phải qua một tam quan rồi vào sân đình, đi ngang qua nhà trù bên phải mới đến ngôi đình chính.

Đình là một dãy nhà ngang rộng, nhiều gian. Có lẽ bên ngoài cũng có thành bao bọc theo lối chữ “Quốc” (chữ Hán) xây bằng đá ong và gạch. Các gian rộng phía trước (tiền đình) dùng để hội họp. Nơi đây trên các cột gỗ tròn còn dấu vết của các lan can trang trí phân cách thứ lớp cho từng chức phẩm. Phần kiến trúc phía sau (hậu tẩm) nhỏ hơn, chỉ để thờ. Tương truyền các cấu trúc gỗ của ngôi đình được các nghệ nhân làng mộc Vân Hà đảm nhận thi công.

Ngày nay, qua nhiều lần đại tu, tiểu tu, dời đình (do chiến tranh) vào những năm 1932, 1955, 1967, 1972... và gần đây là năm 1996, ngôi đình hiện tại có dạng kiến trúc gỗ, mái lợp ngói âm dương. Phần hậu tẩm đã bị hỏng, nên các bệ thờ phải dời ra gian trước. Đình còn lại là một dãy nhà hình chữ “Nhất” (chữ Hán) ba gian hai chái, gồm 30 cột bằng gỗ mít, đường kính cột lớn nhất là 40,28cm (cột cái) và nhỏ nhất là 37cm (cột hiên). Tất cả các cột được đặt trên đá tảng. Đặc biệt, khoảng cách gian giữa rất lớn: hơn 4,6m. Kèo lòng hai hay kèo nách kết cấu và chạm trổ không có gì đặc biệt, chỉ đáng chú ý là phần liên kết cột hiên không còn thấy dấu hiệu của kèo. Với diện tích trên 257m2, chiều dài và chiều rộng qua các cột là: 18,9m x 13,6m, có lẽ Chiên Đàn là ngôi đình lớn nhất còn lại ở Quảng Nam; đồng thời điều này cũng chứng tỏ về sự giàu có của làng Chiên Đàn xưa kia.

Phần nhà trù cũng đã bị hỏng nặng. Nhà Võ Ca ở trước tam quan chỉ còn lại dấu vết của hai trụ lớn bằng vôi gạch mang hình hoa sen trên đầu cột. Phần tường rào bao quanh phân cách ngôi đình với các kiến trúc nhà ở chung quanh chỉ còn lại hai dãy tường trước nối liền với tam quan, nơi đặt tượng Quan Công, mà có lần đã bị kẻ gian lấy trộm nhưng may mắn đã được người dân sống quanh đình kịp thời thu giữ lại.

Lễ hội đình Chiên Đàn hằng năm được tổ chức vào rằm tháng Giêng và rằm tháng 7 âm lịch. Trong lễ hội thường có tổ chức hát bộ. Đình Chiên Đàn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia năm 2005.

Mai Hồng Lâm

Ý kiến bạn đọc