Multimedia Đọc Báo in

Tên gọi các đảo trong hệ thống đảo ven bờ Việt Nam

19:01, 06/11/2011

Trong vùng biển ven bờ Việt Nam có khoảng 2.773 đảo biển, trong đó đã có 1.503 đảo có tên (chiếm 54,2%) và 1270 đảo chưa có tên. Cho đến nay, để gọi các đảo biển ven bờ, nhân dân ta đã có ít nhất là 5 từ khác nhau để diễn đạt, tùy theo vị trí phân bố, diện tích, hình thái của chúng, đó là: hòn, đảo, cồn, cù lao và đá.

Trong số các từ được dùng để chỉ đảo biển thì từ hòn là phổ biến nhất (91,8%), tiếp đó là đảo (4,59%), cồn (3,52%), cù lao và đá không đáng kể. Tuy nhiên về mặt diện tích thì các đảo chiếm nhiều nhất (84,20%), rồi mới đến hòn (14,29%).

Đặc điểm về số lượng và diện tích
Đa số các đảo biển ven bờ được gọi là hòn, chúng có diện tích rất khác nhau, với diện tích lớn nhất là 45,21 km2 (Hòn Lớn) và cực tiểu là 0,0001km2. Tuy nhiên, nhìn chung các hòn chủ yếu là các đảo biển  có diện tích nhỏ hơn 0,5km2 (1310 hòn).

Có 69 đảo biển được gọi là đảo, bao gồm những đảo có diện tích lớn nhất (Phú Quốc, Cái Bầu, Cát Bà…), đến các đảo có diện tích < 0,1 km2. Nhìn chung các đảo có diện tích phổ biến trong khoảng từ 1 đến 50km2 (48 đảo).

Đến nay, chỉ có 7 đảo biển còn được gọi là cù lao, được sử dụng cho các đảo biển  có diện tích từ 0,5 đến < 50 km2 mà phổ biến là 1- 5 km2, với diện tích trung bình 3,63km2/đảo biển, cù lao là các đảo biển  chủ yếu cấu tạo bởi đá (granit, bazan), một số ít là đảo biển  trầm tích cửa sông ven biển mới đặt sau này.
Từ cồn được dùng chủ yếu để chỉ các đảo biển cấu tạo bằng đá, có diện tích cực nhỏ. Có 48 đảo như vậy, chúng có diện tích trung bình khoảng 0,0005 km2/ĐB. Ngoài ra còn có một số cồn phù sa phân bố ở cửa sông Hồng mà theo xu thế phát triển, chúng sẽ nhập vào và trở thành một bộ phận của đồng bằng. Các đá cũng rất nhỏ, chỉ có diện tích trung bình 0,01 km2/đảo biển.

Đặc điểm phân bố
Một điều dễ nhận thấy là, trong khi các hòn và đảo phân bố suốt từ Bắc đến Nam thì cồn, cù lao, đá chỉ có mặt ở ở những vùng biển nhất định. Cồn phân bố nhiều nhất ở Quảng Ninh và ít dần cho tới Nghệ An. Còn đá gặp ở Phú Yên, Khánh Hòa, Kiên Giang, trong khi đó cù lao phân bố ở Quảng Nam đến Bình Thuận và cũng gặp ở cửa sông ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu, là các bãi đất bồi mới, mới được đặt tên sau này.
Xét về mặt tỷ lệ thấy rằng, ở miền Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra), các đảo biển có tỷ lệ được đặt tên ít hơn ở miền Nam, số hòn phân bố có tỷ lệ gần đồng đều ở cả hai miền, trong khi đó số đảo ở miền Bắc có tỷ lệ lớn hơn.

Ngoài các đảo biển được gọi bằng 1 trong 5 tên như trên, còn có những đảo biển có tên ghép như hòn cồn…, hòn đá…, hòn cù lao…, hoặc đảo đá…, đảo cồn… Một số đảo biển vừa được gọi là cù lao vừa là đảo, hoặc là vừa là cù lao, vừa là hòn.

Có nhiều trường hợp các tên chung (hòn, cù lao…) đã trở thành tên riêng, đặc biệt khi tên của các đảo biển đó chỉ có 1 từ. Thí dụ: Hòn Tre, Hòn Khoai, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ,..Trong các trường hợp, đó người ta có thể thêm từ đảo như một tên chung: đảo Cồn Cỏ, đảo Hòn Khoai…Thông thường đảo biển có diện tích lớn nhất nằm ở trung tâm một cụm đảo biển  sẽ được gọi là đảo, còn các đảo biển nhỏ hơn nằm rải rác xung quanh thì được gọi là hòn. Thí dụ: đảo Côn Lôn (Côn Sơn) và các hòn xung quanh (Hòn Bảy Cạnh, Bông Lang, Tài Lớn…); đảo Thổ Chu và các hòn xung quanh (Hòn Nhạn, Cao Cát,…). Tương tự, các đảo Lý Sơn, Phú Quý, Phú Quốc cũng đều có nhiều hòn bao quanh.

Ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy rõ người Việt Nam cùng với quá trình khai khẩn vùng đất mới, đã sử dụng từ cồn và cù lao để chỉ các đối tượng ở trong sông mà chúng không phải là đảo biển. Họ mang từ cồn vốn chỉ các đảo biển ở miền Bắc để gọi các bãi nổi giữa sông (cồn Phụng, cồn Cò, cồn Ông Trang…). Đặc biệt đã dùng từ cù lao vốn chỉ các đảo biển miền Trung (có dạng núi) để gọi các bãi giữa rộng lớn của hệ thống sông Tiền – sông Hậu (cù lao Dung, Tròn, Bàn, Nai, Đất,…). Ở đây, về quy mô diện tích thì cồn cũng nhỏ hơn cù lao.

Cũng gặp nhiều trường hợp 2 đảo biển có cùng một tên riêng, nhưng khác tên chung. Trong đó nhiều đảo biển trùng tên riêng được gọi là cồn và hòn, và như một quy luật, các hòn luôn có diện tích lớn hơn các cồn hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Thí dụ: cồn Rùa (0,0001 km2) – hòn Rùa (0,0250 km2); cồn Ông (0,0003 km2)  - hòn Ông (0,1440 km2)…Cũng vậy, trong trường hợp cù lao, đảo, hòn trùng tên riêng thì diện tích đảo luôn luôn lớn hơn hòn (như đảo Miều và hòn Miều) và cù lao lớn hơn hòn (cù lao Xanh và hòn Xanh).

Về tên riêng của các đảo ven bờ
Theo thống kê cho thấy, có 69 đảo biển được gọi là đảo, trong đó 62 đảo phân bố ở phía Bắc và 7 đảo ở phía Nam (ở phía Nam hay dùng từ hòn hơn là từ đảo, để gọi cả những đảo biển có diện tích lớn như hòn Lớn, hòn Tre).

Ta có thể thấy các tên riêng của các đảo phản ánh các ý nghĩa sau:
Hình tượng hóa theo hình thái của đảo: Bánh Dày, Quả Xoài, Đá Dựng, Đầu Bê, Đống Chén, Giàn Mướp, Sư Tử, Ông Cụ, Lão Vọng…
Theo kích thước, vị trí và phương hướng của đảo: Chàng Tây, Cô Tô Con, Cống Đông, Cống Tây, Đồng Rui Bé, Hạ Mai, Thượng Mai…
Theo màu sắc: Cống Đỏ, Thẻ Vàng, Thoi Xanh…
Theo đặc sản: Bồ Hòn, Cái Lim, Trà Bản, Tùng Lâm, Cồn Cỏ, Hòn Khoai…
Theo truyền thuyết: Bạch Long Vỹ, Long Châu, Cát Bà, Đầu Gỗ…
Theo nguyện vọng: Phú Quý, Phú Quốc, Đình Vũ, Bình Ba, Thổ Chu…
Kế thừa: Côn Lôn, Vân Đồn, Vạn Cảnh, Vạn Mặc…

Như vậy, để gọi tên các đảo ven bờ có 5 từ khác nhau đó là hòn, đảo, cồn, cù lao và đá, trong đó từ phổ biến nhất là hòn, sau đó đến đảo. Tên riêng của nhóm các đảo có nhiều ý nghĩa khác nhau. Để thống nhất tên gọi cho những đảo biển đã có tên và đặt tên mới cho những đảo biển chưa có tên, việc tìm hiểu cách gọi tên các đảo biển đã có tên là rất cần thiết, nhằm làm rõ những khía cạnh truyền thống, các yếu tố về lịch sử, địa lý, dân tộc trong cách đặt tên đảo biển. Qua đó tạo thuận lợi trong nhiệm vụ quản lý và thực thi chủ quyền của nước ta đối với các vùng biển đảo này.

ThS Nguyễn Thanh Điệp (Học viện Hải quân)

 


Ý kiến bạn đọc