Hang Moso – huyền bí và thơ mộng
Moso thuộc ấp Ba Núi, xã Bình An, cách TX Hà Tiên (Kiên Giang) 27km về phía tây nam. Đây là một chòm núi đá vôi, cao nhất là núi Bãi Voi (148m), Mo So chỉ cao 31m. Moso (đá trắng) là tên đồng bào Khmer gọi chung cho những hang động ăn luồn nhau, có nhiều ngõ ngách trong núi, vách là đá vôi. Anh hướng dẫn khá lanh lợi cầm bó nhang khấn vái vị thần trước cửa hang rồi sau đó bảo mọi người cắm nhang vào bát, quay lại nói với mọi người: “Trước khi vào mình phải trình ông ấy”. Đúng là ở vùng Hà Tiên này đi đâu cũng toát lên du lịch tâm linh.
Vòi rồng |
Bước vào, lòng hang trông rất kỳ lạ và đa dạng nhưng thường có hình bầu dục, bóng loáng và rộng rãi. Dãy hành lang thăm thẳm, mọi người như đang lạc vào một thế giới xa lạ. Động còn có rất nhiều thạch nhũ đủ hình thù. Càng đi sâu vào tôi thấy nhiều hang thông với nhau, khi to khi nhỏ. Đứng giữa hang lớn, tôi ngửa cổ lên xem, song khoảng không rộng lớn của hang nuốt chửng ánh sáng le lói từ đèn pin trên đầu, như thể tôi đang nhìn vào bầu trời đêm không sao, chốc chốc lại có vài cánh dơi vụt qua dưới luồng sáng dịu mát của giếng trời, khiến ta giật mình. Những cột thạch nhũ hình khối đẹp mắt và độc đáo lơ lửng trên đầu, làm cho hang động thêm kỳ ảo. Không gian gần như tĩnh lặng chỉ lâu lâu lại nghe tiếng gió rít qua khe núi khi trầm khi bổng, tạo nên thứ âm thanh triền miên mà tai người có thể nghe rõ. Đang giữa mùa mưa, bên trong nước còn đọng lại gây ngập nên người ta cho đặt những chiếc cầu gỗ tại chỗ trũng, ngoài ra còn có hệ thống chiếu sáng giúp du khách đi lại dễ dàng. Len qua dãy hành lang thăm thẳm, du khách như đang lạc vào một thế giới kỳ ảo. Ở đó, trên vách đá dựng đứng có nhiều thạch nhũ, từng ngõ ngách vẫn còn lưu lại những dấu tích của một thời hoang dã như vỏ sò bám trên vách hang. Hang còn có một thung lũng độc đáo rộng khoảng 700m2, không gian thông thoáng, du khách có thể đứng ngắm mây trời lồng lộng và nghe những âm thanh là lạ được tạo ra từ tiếng gió. Thám hiểm hang Moso lần này may mắn cho chúng tôi cũng là lúc người Khmer tổ chức lễ hội ăn mừng mùa lúa bội thu trong hang động. Lời ca tiếng hát kết hợp cùng ánh lửa bập bùng phá tan không khí tĩnh mịch trong hang. Lần theo các hang động người dẫn đường còn chỉ cho chúng tôi những dòng chảy ngầm thông suốt từ miệng hang này sang miệng hang khác, càng len theo hang động càng thích thú trước những thạch động giống như miệng thúng úp lại.
Hơn 100m cuối cùng trong lòng hang tạo cảm giác cho du khách như đi khảo sát lòng đất với không khí ẩm ướt, mát lạnh. Hai bên, nhiều hình thù lạ mắt do thạch nhũ tạo nên làm cho mọi người chú ý và ngạc nhiên, dâng lên niềm cảm xúc lạ lùng, ngẩn ngơ, rung động trước cảnh sắc kỳ ảo. Bên này là hình chiếc thuyền lớn, kia là đầu ông Thọ, bên trên trần lại là hình tượng Phật. Đặc biệt gần ra đến cửa hang, thạch nhũ lại tạo hình bàn tay to mà theo nhiều người dân tín ngưỡng “ai vuốt vào thì mọi bệnh tật đều tan biến (!?)”. Thời kháng chiến chống Mỹ, nhờ hệ thống những hang động ăn thông với nhau tạo nhiều ngóc ngách bí hiểm, Mo So trở thành căn cứ địa của quân dân Kiên Giang. Có chỗ hang chỉ vừa một người lách qua, có chỗ lại phình ra rộng rãi như căn nhà lớn. Kẻ địch đã nhiều lần dùng bom đạn bắn phá nhưng Mo So chẳng bị ảnh hưởng gì, và trở thành nơi trú ẩn an toàn cho nhiều đơn vị kháng chiến. Theo những người dân sống quanh đây, vào khoảng tháng ba, tháng tư dương lịch, có những đàn sếu đầu đỏ hàng trăm con bay về, tìm thức ăn và bạn tình. Cũng không khó lắm để du khách có thể thưởng thức những vũ điệu tuyệt vời của đàn sếu nếu có ống nhòm và chịu khó chờ đợi, ẩn nấp theo sự hướng dẫn của người dân địa phương.
Mo So không chỉ là điểm nối giữa các địa danh nổi tiếng của Kiên Giang như Hòn Chông, hòn Phụ Tử và thị xã Hà Tiên mà còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Người ta ví quần thể hang động núi Moso như Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Sự huyền bí và thơ mộng nơi đây không chỉ để lại nhiều cảm xúc lưu luyến khó quên cho khách phương xa mỗi khi ghé thăm mà còn ẩn chứa nhiều bí ẩn cho những ai thích khám phá.
Lê Quang Huy
Ý kiến bạn đọc