Multimedia Đọc Báo in

NGHIÊNG CHIỀU CÔN ĐẢO

22:38, 23/01/2012

Chiều Côn Đảo như đang chìm vào dòng chảy lắng sâu sau các dãy nhà lao cấm cố và những chuồng cọp của một thời giông bão trong cuộc hành trình giành khát vọng độc lập và tự do. Sự khốc liệt ấy đã lay động trái tim mỗi con người khi đặt chân đến đây. Chiều Côn Đảo mãi nghiêng vào lòng người. Ánh hoàng hôn đỏ rực cứ sưởi ấm mãi lòng Côn Đảo… 

 
Có một nhà soạn nhạc vĩ đại của thế giới, đã từng say đắm hòn đảo này trước cái vẻ đẹp hào phóng của thiên nhiên. Nguồn cảm xúc dạt dào ấy dã thôi thúc Camille Saint Saens hoàn tất những chương cuối vở nhạc kịch bi  tráng “ Brunehilda”. Đó là những trang nhạc u uất nhất tưởng nhớ đến Nữ hoàng Brunehaut trong những ngày cuối đời lâm vào cảnh tra tấn ghê rợn nhất. Nỗi niềm trăn trở của nhạc sĩ người Pháp này còn lưu lại trong bức thư chia tay gửi cho Chúa đảo Jacquet trước khi rời Côn Đảo vào ngày 19-4-1895. Bức thư này hiện đang được lưu giữ ở Nhà Công Quán – nơi từng lưu dấu bước chân người nhạc sĩ tài hoa cách đây 116 năm, có đoạn: “…Phong cảnh Côn Lôn  thật tuyệt vời. Những nơi đã qua, tôi chưa thấy ở đâu như thế, dù ở Tây Ban Nha, Canari, Ai Cập, Xây Lan hay Algeria…Tiếc rằng tôi không biết nhiều về con người, về nền văn hóa và nhất là nền âm nhạc xứ này.
Nhưng những cái tôi cảm nhận được đã khiến tôi tin tưởng rằng âm nhạc của họ đã phản ánh trung thực tính cách và tâm hồn nhân hậu, trong sáng và phong phú của họ. Họ đang đau khổ biết chừng nào…Anh xem đó, con người chúng ta đã thay đổi quá nhiều…Cái gì đã khiến chúng ta gây ra nhiều tội ác đến thế ở trên mảnh đất này, trên hòn đảo này?...Có cách nào cứu vãn được không?...Là một người yêu nhạc, tôi tin chắc rằng: Ở đâu Cái Đẹp được tôn trọng thì ở đó Tội Ác sẽ bị đẩy lùi…”  Đó là dấu ấn đẹp đẽ duy nhất của người Pháp trên hòn đảo “Địa ngục trần gian” này. Chỉ sau 33 năm thực dân Pháp thiết lập hệ thống nhà tù, nhà soạn nhạc Camille Saint Saens tìm đến Côn Đảo và mới dừng chân ở đây chỉ một tháng thôi mà ông đã cảm nhận biết  bao tội ác diễn ra ở hòn đảo này! Chẳng ai có thể lý giải được câu hỏi,  vì sao thực dân Pháp lại chọn nơi thắng cảnh tuyệt đẹp như thế để thiết lập một địa ngục trần gian trong suốt gần một thế kỷ? Sau đó, đế quốc Mỹ và tay sai lại tiếp nối đọa đày Côn Đảo trong số phận nghiệt ngã thêm 30 năm nữa. Đúng là câu chuyện về Côn Đảo thật bi tráng, và không thể khép lại bao giờ! 
Con đường đẹp nhất Côn Đảo mang tên Tôn Đức Thắng với hàng cây bàng cổ thụ trên 100 tuổi xòa tán rợp mát quanh năm
Con đường đẹp nhất Côn Đảo mang tên Tôn Đức Thắng với hàng cây bàng cổ thụ trên 100 tuổi xòa tán rợp mát quanh năm

Trong các chứng tích của máu xương, hình ảnh đặc trưng nhất là Côn Đảo – nơi suốt 113 năm được ví như “Địa ngục trần gian”, nơi mà các thế lực thực dân và đế quốc nối tiếp nhau tra tấn, hành hạ và tàn sát rất nhiều chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước. Trong số hơn 200.000 người tù Côn Đảo, đã có hơn hai vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước ngã xuống và mãi nằm lại mảnh đất này. Nhưng, đến nay chỉ quy tập được chưa tới 2000 ngôi mộ, trong số này mới hơn 700 ngôi mộ có tên tuổi.     

Thắp hương tại bia tưởng niệm Cầu Tàu 914 – nơi đầu tiên dẫn vào địa ngục trần gian Côn Đảo
Thắp hương tại bia tưởng niệm Cầu Tàu 914 – nơi đầu tiên dẫn vào địa ngục trần gian Côn Đảo
 
Ở Côn Đảo không có nhiều con đường nên cũng không quá khó để tìm đến những địa danh mang đậm dấu ấn trong lịch sử. Cầu Tàu 914 – nơi lưu dấu bước chân lưu đày đầu tiên của hàng chục vạn người tù trên hòn đảo này trong suốt hơn một thế kỷ. Ông Phan Hoàng Oanh, quê ở Kiên Giang là cựu tù Côn Đảo thời đế quốc Mỹ (nguyên Giám đốc Bảo tàng Côn Đảo) nhớ lại: “Cầu Tàu 914 là nơi chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra đảo. Nhiều người chỉ qua cầu có một lần rồi vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo. Những tảng đá lớn, nặng hàng tấn đã làm kiệt quệ và đè nát bao thân tù khi phải đưa chúng từ núi Chúa về đây. Con số 914 được đặt tên cho cầu là số người tù ngã xuống do bị núi lở, đá đè hoặc kiệt sức vì đòn roi khi chuyển đá làm Cầu Tàu và kè đá dọc con đường ven biển”. Cầu Ma Thiên Lãnh mãi mãi chỉ là một dự án bất thành, đã nói lên mục đích của những tên chúa đảo là giết dần tù nhân bằng cách khiêng từng tảng đá để xây trên đèo Ông Đụng một cây cầu nối liền hai quả núi. Có tới 356 người chết mà chỉ mới xây được 2 mố cầu, mỗi mố cao khoảng 8 mét! Khu nhà Chúa Đảo ở ngay trung tâm thị trấn Côn Đảo là di tích lịch sử quan trọng. Đây là nơi làm việc của 53 đời chúa đảo trong suốt 113 năm (1862-1975). Ngày nay, nhà Chúa Đảo là một bảo tàng thu nhỏ lưu giữ những dấu tích còn sót lại sau chiến tranh. Dấu ấn những bức tường nơi giam cầm loang lổ phủ rêu nhuốm màu thời gian, những hình tượng tái hiện cảnh người tù bị xiềng xích, tra tấn trong các buồng giam, những xà lim cấm cố, những chuồng cọp, chuồng bò, những hầm xay lúa… như một cuốn biên niên sử của ngục tù Côn Đảo.
Ông Phan Hoàng Oanh (bên phải, quê ở Kiêng Giang), Tôn Long Anh (bên trái, quê ở Quảng) – những cựu tù Côn Đảo đã tình nguyện ở lại đây sau ngày giải phóng và chọn nơi này làm quê hương thứ hai
Ông Phan Hoàng Oanh (bên phải, quê ở Kiên Giang), Tôn Long Anh (bên trái, quê ở Quảng Ngãi) – những cựu tù Côn Đảo đã tình nguyện ở lại đây sau ngày giải phóng và chọn nơi này làm quê hương thứ hai
Đấy là cuốn biên niên sử đồ sộ nhất, hùng vĩ nhất viết về cuộc chiến đấu bền bỉ trong hơn một thế kỷ của những chiến sĩ cách mạng, chiến sĩ cộng sản. Có lẽ không một cuốn sử nào được ghi chép đầy đủ và trung thực đến thế bằng chính máu xương của lớp lớp những người Việt Nam yêu nước đã hiến dâng tinh hoa và sinh mạng của mình cho khát vọng độc lập và tự do. Đến với Côn Đảo dường như mọi người đều muốn bước thật khẽ, bởi nơi đây mỗi tấc đất đều thấm từng giọt máu của những người ông, người cha, người chú – những bậc trung kiên, bất khuất của dân tộc. Hơn 18.000 đồng bào và chiến sĩ vẫn đang còn nằm lẫn trong từng tấc đất Côn Đảo, như là sự mắc nợ của những người đang sống, của hiện tại nối vào hôm qua, và cho đến tận mai sau… 
   
Viếng Nghĩa trang Hàng Dương
Viếng Nghĩa trang Hàng Dương
Hai hàng dương la đà xòa bóng xuống con đường dẫn chúng tôi vào Nghĩa trang Hàng Dương. Lớp lớp những ngôi mộ kề nhau yên tĩnh dưới trời thu, dưới bóng mát của hàng phi lao xanh. Hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc đã vĩnh viễn nằm lại, đã tan thành cát bụi để giành lấy cuộc sống hôm nay, gửi lại chúng ta và thế hệ mai sau niềm hy vọng cháy bỏng về một tương lai tươi đẹp. Trong đêm, mỗi ngôi mộ Hàng Dương thắp lên một ngọn đèn nhỏ như một cây nến lung linh, huyền ảo. Dòng người lặng lẽ, bao tâm tưởng nối vào nhau, những nén tâm hương thắp vào vô tận giữa lòng Côn Đảo sưởi ấm đêm đêm. Người từ đất liền ra cùng nhân dân Côn Đảo nối nhau chờ đến lượt vào dâng hương trước mộ chị Võ Thị Sáu - người con gái mãi mãi tuổi xuân 19 trong khói hương nghi ngút, hoa tươi xếp đầy. Thực dân Pháp kết án tử hình chị khi chưa đủ tuổi thành niên. Dư luận xôn xao, chúng không dám giết chị ở đất liền mà đưa ra Côn Đảo để hành hình sau 2 năm giam giữ ở khám Chí Hòa. Cuộc đời của chị Sáu trở thành huyền thoại bắt đầu từ chuyến tàu lịch sử cập bến Côn Đảo ngày 21-01-1952. Chị bị giam giữ riêng ở xà lim Sở Cò qua 2 đêm 1 ngày, để rồi đưa ra xử bắn vào sáng ngày 23-01-1952. Khi ra pháp trường, chị đã từ chối bịt mắt để ngắm nhìn bình minh đang lên trên biển đảo quê hương và hát đến hơi thở cuối cùng. Loạt đạn của giặc chìm trong tiếng hát bài “ Tiến quân ca” của người con gái Đất Đỏ anh hùng mãi mãi tuổi xuân 19. Rất nhiều gia đình ở Côn Đảo đã lập bàn thờ chị Võ Thị Sáu, bởi cái chết của nữ Anh hùng trinh liệt đã dẫn hướng cho người đời sau tin ở cõi linh! Huyền thoại về sự bất tử của chị Võ Thị Sáu vẫn đang sống cùng dân Côn Đảo và sống mãi trong lòng dân Việt. Tiếng hát kiêu hãnh của liệt sĩ Anh hùng Võ Thị Sáu trên địa ngục Côn Đảo trước họng súng pháp trường mãi mãi là biểu tượng lạc quan của niềm tin tất thắng.
Bình yên
Bình yên
     
Chặng đường hơn một thế kỷ ấy, nơi hòn đảo nhỏ bé này đã có biết bao câu chuyện, biết bao tấm lòng để lại những dấu ấn đáng ghi nhớ. Có hàng triệu lượt người trải qua nơi này trong những năm tháng đất nước đang còn giông bão. Biết bao người đã gửi trọn cả tuổi trẻ đời mình vào mảnh đất địa ngục này – nơi mà một ngày trôi qua dài ngút ngàn như thiên thu... Nghe những câu chuyện rùng mình, tận mắt chứng kiến những hình ảnh đau thương của một quá khứ máu lửa, như vẫn còn đó những tiếng thét, tiếng gào vang vọng của “Địa ngục trần gian” – cái tên đã đi vào lịch sử.  
     
Côn Đảo và chiến tranh vẫn mãi là một đề tài bất tận, nhưng Côn Đảo không chỉ là quá khứ! Côn Đảo của ngày hôm nay chỉ với hơn 7.000 dân, vẫn đang là một khu du lịch tìm về địa danh lịch sử, một khu du lịch hoang sơ và ấn tượng nhất khu vực Đông Nam Á. Chiến tranh càng lùi xa, ý nghĩa lịch sử của Côn Đảo ngày càng to lớn, càng sáng bừng như ngọn hải đăng. Côn Đảo hôm nay vẫn ôm trọn quá khứ đau thương mà hào hùng của dân tộc ta đã trở thành di sản vô giá, không chỉ của người Việt Nam mà còn là một kỳ quan chiến tranh của nhân loại – và là địa chỉ hành hương cho mọi thế hệ. Một nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh đã nói với tôi khi thăm tượng đài Hàng Dương: “Chiều cao của Côn Đảo không có công trình nào sánh được. Côn Đảo - là ngọc sơn thiên đường nơi biển Đông! Là bản tình ca của biển xanh, cát trắng, của núi rừng và linh thiêng những tâm hồn bất tử!”. Đúng vậy. Côn Đảo mãi vĩnh hằng trong lòng dân Việt Nam và sự ngưỡng mộ của bạn bè năm châu đang sánh bước cùng thời gian.
     
Chiều Côn Đảo. Ánh hoàng hôn đỏ rực cứ nghiêng mãi, neo mãi vào lòng người! 
                                                                       
 Côn Đảo, tháng 8-2011
                                                            Buôn Ma Thuột, tháng 12-2011
Bút ký của TRƯƠNG MINH THẮNG
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.