Multimedia Đọc Báo in

Tháp Nhạn – Công trình kiến trúc cổ đặc sắc ở Phú Yên

05:54, 05/09/2015

Nhiều người cho rằng: đến thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) mà chưa đến thăm núi Nhạn – tháp Nhạn thì xem như chưa đến Tuy Hòa.

Núi Nhạn nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, thuộc địa phận phường I, thành phố Tuy Hòa. Núi Nhạn còn có tên gọi khác là “Núi Bảo Tháp” hoặc “Tháp Dinh”. Đứng ở độ cao 64 m trên đỉnh Núi Nhạn, ta có thể bao quát một vùng non nước Phú Yên với toàn cảnh thành phố Tuy Hòa, làng hoa Bình Ngọc, núi Đá Bia, cầu đường sắt và đường bộ bắc qua sông Đà Rằng. Cái tên “Núi Nhạn”  được lý giải là do ngọn núi này có hình thế như hình con chim nhạn xòe đôi cánh; cũng có người cho rằng, ngày xưa núi này như một cù lao nhỏ nằm trong vịnh Tuy Hoà (biển ăn sát đến tận chân dãy Trường Sơn), là nơi để loài chim nhạn làm tổ, trú ẩn, sau này, vịnh dần dần được bồi lấp tạo nên đồng bằng rộng lớn nối liền cù lao Nhạn với đất liền.

Tháp Nhạn.
Tháp Nhạn.

Trên đỉnh núi Nhạn có Tháp Nhạn - một di tích kiến trúc đền tháp Chămpa cổ, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 11. Tháp có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh khoảng 10 m, chiều cao 23,5 m với tỷ lệ cân đối gồm ba phần: Đế tháp, thân tháp và mái tháp. Đế tháp vững chãi, thân tháp đồ sộ vươn cao trang trí các trụ ốp tường với những đường rãnh ăn sâu vào thân tháp để làm tăng lên nét thanh thoát, mái tháp thu nhỏ dần với ba tầng theo mô típ tầng trên là hình dáng thu nhỏ của tầng dưới. Trên đỉnh tháp là hình tượng Linga bằng đá được điêu khắc công phu. Cửa và mặt chính của Tháp Nhạn quay về hướng đông, các mặt còn lại đều trang trí hoa văn mang các chủ đề về tôn giáo và tạo hình cửa giả. Vật liệu xây dựng tháp chủ yếu là gạch với kích thước dài 40cm, rộng 20 cm, dày 8 cm, được xếp liền khít nhau, không thấy mạch hồ mà vẫn kết dính rất chắc. Bên trong tháp, tường xây thẳng đứng cao vút từ phần đế tháp cho đến hết phần thân. Lòng Tháp Nhạn có diện tích khoảng 25 m2, tường xây theo kỹ thuật giật cấp, càng lên cao càng thu hẹp dần và nối với nhau ở viên gạch cuối cùng. Hiện nay, trong lòng tháp, người ta đặt bàn thờ Thánh mẫu Thiên Y Ana - bà chúa được coi là có công khai sáng người Chăm, dạy phép tắc, lễ nghi và cả những việc như cày cấy, kéo sợi, dệt vải... để người dân biết cách mưu sinh. Trải qua những thăng trầm của thời cuộc và thời gian, Tháp Nhạn cũng đã bị hư hại nhiều, đỉnh tháp và 3 góc tháp bị đổ. Tỉnh Phú Yên cũng đã tiến hành tu bổ, hàn gắn những chỗ bị nứt bên trong và ngoài tháp...  Mặc dù không còn vẻ nguyên vẹn nhưng ngày nay người ta vẫn nhận thấy rằng sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, đường nét kiên trúc và nghệ thuật điêu khắc đã tạo ra cho Tháp Nhạn một dáng vẻ vừa vững chãi, vừa thanh thoát, tinh tế, mang tính thẩm mỹ cao.

Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết trên núi Nhạn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí. Đặc biệt vào rằm tháng Giêng (Âm lịch), nơi đây diễn ra Hội thơ Nguyên tiêu thu hút đông đảo văn nghệ sĩ và du khách gần xa về tham dự. Ngoài ra, vào các ngày 21, 22, 23 tháng 3 (Âm lịch), nơi đây tổ chức Hội vía Bà nhằm tưởng nhớ công ơn to lớn của Thiên Y Ana thánh mẫu đã cứu dân độ thế trong một vùng đất rộng lớn trải dọc các tỉnh miền trung, thu hút các đoàn người từ Bình Định đến Ninh Thuận về dâng lễ Bà với tấm lòng thành kính trang nghiêm.

Đến thăm núi Nhạn, du khách còn có thể đến thăm Vườn thực vật – nơi đang lưu giữ quần thể thực vật với hơn 400 loài. Trên đỉnh núi Nhạn cũng còn tồn tại một số di tích còn lại của những năm chiến tranh ác liệt như lô cốt, hầm hào... Con đường xanh mát quanh co từ chân núi đến đỉnh núi – nơi tọa lạc Tháp Nhạn cũng là tuyến  đường tản bộ, dạo mát, luyện tập thể thao của đông đảo người dân Tuy Hòa.

Đến Phú Yên, cùng với việc khám phá các địa danh du lịch nổi tiếng như Ghành Đá Đĩa, đầm Ô Loan, Vũng Rô, núi Đá Bia, bạn hãy dừng chân thăm Tháp Nhạn để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ đặc sắc của vùng đất này. Đứng dưới chân ngọn tháp nghìn năm tuổi, bóng tháp trầm mặc đổ dài trong ánh tà dương, khung cảnh bao la khoáng đạt mây – trời – non – nước của Tuy Hòa sẽ để lại trong bạn ấn tượng khó quên...

Hải Như


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.