Multimedia Đọc Báo in

Nguồn sống mới của buôn làng

17:23, 29/12/2017

Có thể nói, cùng với rừng thì sông, suối tự nhiên là nguồn sống truyền đời của người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Cư dân ở đây luôn có ý thức gìn giữ nguồn sống này và chính vì thế, dù rơi vào hoàn cảnh khó khăn, bất lợi nào thì cộng đồng người sống trong không gian ấy vẫn giữ được sinh kế để tồn tại.

Chẳng hạn như trong lòng đô thị Buôn Ma Thuột, “cơn lốc” đô thị hóa cùng với đời sống hiện đại đã làm thay đổi mọi thứ. Trong đó có ao, hồ, sông, suối tự nhiên lần lượt bị bóp nghẹt và teo tóp dần, khiến đời sống vốn gắn bó mật thiết với yếu tố tự nhiên ấy của cộng đồng người dân tộc thiểu số  trở nên ngột ngạt, khó thở hơn. Vậy họ phải làm thế nào để thích nghi với thực tế này? Câu trả lời không đơn giản, bởi sự biến chuyển, xô đẩy dữ dội ấy diễn ra trong thời gian không dài, hơn nữa lại nằm ngoài sự tiên liệu của nhiều người, nên không dễ dàng thích ứng ngay…Đầu tiên là bà con tỏ thái độ từ chối với những gì được gọi là “văn minh, hiện đại” diễn ra chung quanh mình bằng cách sống lùi dần về phía sau, nơi còn rừng, ao, hồ, sông, suối để mưu sinh. Nói như TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Trường Đại học Tây Nguyên) là “bước lùi” ấy phải mất 10 – 15 năm mới có điểm dừng. Đến nay, họ không còn lùi nữa và bằng cách nào đó đang cố gắng để hòa nhập với đời sống đương đại.

Rau dăm tang được đưa vào trồng trong nhà lưới ở buôn Triă (Cư M’gar).
Rau dăm tang được đưa vào trồng trong nhà lưới ở buôn Triă (Cư M’gar).

Điều đó dễ thấy nhất ở cộng đồng người Êđê sinh sống dọc theo con suối Ea Nuôl, khởi đầu từ bến nước Akô Dhông (phường Tân Lợi) đến buôn Ky (phường Thành Nhất) – TP. Buôn Ma Thuột ngày nay. Con suối trên ngày càng khô kiệt và thu hẹp dần cùng với quá trình đô thị hóa, khiến nguồn sống của người dân trở nên chật vật hơn, không còn thoải mái như xưa. Cá, tôm, ếch, nhái và các loại thực phẩm khác lần lượt biến mất đã tạo nên khoảng trống không dễ gì bù đắp trong hoạt động sinh kế của các cộng đồng người tại chỗ. Vậy phải làm cách nào để duy trì nguồn sống?

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng buôn Ky cho biết: Bà con đã tỏ ra chủ động hơn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất bằng cách tận dụng vùng sình lầy ven suối và ít khoảnh rừng còn lại để trồng các loại rau quả có nguồn gốc hoang dại như cà đắng, lá jang, lá erh, dăm tang, quả yplang, aliêk, hoa ytuk… để không những ăn, mà còn bán ra thị trường bên ngoài. Những thứ thực phẩm ấy, ngày càng được tiêu thụ khá phổ biến trong các gia đình, nhà hàng, khách sạn… nên trong các buôn làng ở thành phố cũng như vùng lân cận đã dần hình thành những vùng chuyên canh rau, quả rừng nổi tiếng như buôn Ky, Ea Nao, Kô Tam (TP. Buôn Ma Thuột); buôn Tring, Krưm (thị xã Buôn Hồ); buôn H’ring, Triă (Cư M’gar); buôn Kniêr, Ea Kuêh (Krông Pắc) với số lượng hàng hóa mỗi ngày lên đến vài chục ký mỗi buôn.

Có thể nói, đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh mà xu thế đô thị hóa và hiện đại hóa đang từng ngày tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến đời sống người dân tộc thiểu số tại chỗ trong các buôn làng. Trong sự tiếp diễn của xu thế không thể cưỡng lại ấy, cộng đồng người dân tộc thiểu số ở đây đã từng bước tìm ra sinh kế mới để tồn tại và phát triển. Bà con đã không còn thụ động, sống dựa vào môi trường tự nhiên, mà biết vượt lên hoàn cảnh để tiếp tục nỗ lực tạo nên nguồn sống cho mình và cho cộng đồng. Nỗ lực ấy, rất cần sự quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ kịp thời và thiết thực của mọi người.

      Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.