Multimedia Đọc Báo in

Bánh la roát của người Cor

09:04, 09/08/2020
Bánh la roát là món ăn được đồng bào dân tộc Cor ở huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) ưa chuộng nhất trong những ngày lễ, Tết, cưới hỏi... Loại bánh truyền thống, mộc mạc, giản dị như chính cách sống của bà con, tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người Cor nơi đây, mang đậm hương vị Trường Sơn. 
 
Bánh la roát là loại bánh được làm từ nếp rẫy gói với lá la ađur thường được dùng làm lễ vật dâng lên tổ tiên trong các nghi lễ với mong muốn tạ ơn trời đất, tổ tiên, ông bà đã phù hộ cho mùa vụ tốt tươi, cho nhà người Cor nào cũng được no ấm.
 
Nguyên liệu để làm bánh la roát đơn giản, dễ kiếm: lá la ađur trên rừng, nếp rẫy vừa thu hoạch cất trong gùi, khi làm bánh đem ra giã rồi vót thêm bó lạt tre nữa là xong. Tuy vậy, muốn làm được bánh la roát ngon, người Cor vẫn phải chú ý nguyên liệu kỹ càng, chọn lá la ađur loại vừa đủ lớn bởi quá non sẽ ít thơm, quá già sẽ bị rách khi gói. Nếp rẫy hạt nhỏ, thon dài, được giã, sàng, đem ngâm nước và đãi sạch rồi lại ngâm vài giờ để khi bánh chín sẽ tạo màu ngả vàng đẹp mắt, có mùi thơm ngào ngạt, độ dẻo vừa phải mà ăn lại không ngán. 
 
Bánh la roát còn là thông điệp gửi gắm, se duyên chồng vợ.
Bánh la roát còn là thông điệp gửi gắm, se duyên chồng vợ.
Vào những ngày người Cor tổ chức lễ mừng cơm mới (xa-pa-nưu), mừng được mùa (xa-a-ní), dịp làng ăn trâu huê (xa-ố-piêu), Tết ngả rạ... thì phụ nữ, người già và cả thanh niên, thiếu nữ, trẻ em cùng tập trung lại dưới nhà sàn làm bánh la roát. Người Cor khi gói bánh khéo léo cuộn lá la ađur thật kín bằng cách giữ chặt hai mép lá la ađur, cuộn vòng lại thành hình chóp nhọn, rồi múc gạo đổ đầy vào bánh, đồng thời vỗ cho gạo nếp chặt lại và dùng lạt mềm buộc chặt.
 
Bánh la roát sau khi gói xong, được buộc thành từng chùm hoặc để riêng lẻ từng chiếc rồi ngâm vào thùng nước lạnh để khi luộc bánh không bị vỡ. Mỗi ký gạo nếp có thể gói được chừng 30 chiếc bánh la roát. Thoạt nhìn, bánh có dạng hình chóp nhọn. Theo tiếng Cor thì hình chóp nhọn, được gọi là la roát, nên bánh có tên la roát.
 
Bánh la roát luộc chừng một đêm là chín, tỏa mùi thơm ngào ngạt, vị nếp mới quyện với vị thơm của lá la ađur tươi khiến bánh la roát thơm ngon, hấp dẫn. Vì không có nhân nên bánh la roát giữ được khá lâu, trong vòng một tuần vẫn giữ nguyên vị dẻo ngon. 
 
Sơn Gia Phúc
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.