Multimedia Đọc Báo in

Lời thề bên phiến đá thiêng

16:31, 28/11/2020

Đình Tân Trào thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) không chỉ lưu giữ giá trị văn hóa độc đáo mà còn mang giá trị lịch sử to lớn gắn với những sự kiện trọng đại của cách mạng Việt Nam.

Với tuổi đời hơn một thế kỷ, Đình Tân Trào thể hiện nét văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của người dân. Những bản sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn sắc phong cho ngôi đình hiện còn lưu giữ nơi đây đều bày tỏ sự tôn trọng sinh hoạt văn hóa tâm linh, ghi nhận giá trị, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của các làng bản vùng miền núi xa xôi. Với nhân dân, ngôi đình này rất linh thiêng, bởi luôn đem lại bình yên và may mắn cho dân làng. Ở sân trước cửa đình có một phiến đá phẳng, hình tròn, nằm nổi ngay trên bề mặt cỏ được người dân địa phương coi như là mâm thiêng, mâm trời. Mỗi dịp lễ, Tết bà con đặt lễ vật lên đây cúng tế các vị thần linh, thổ địa trước rồi mới đưa vào bên trong ngôi đình để làm lễ.

Du khách thăm  Đình Tân Trào.   Ảnh: Báo Tuyên Quang
Du khách thăm Đình Tân Trào. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Vị trí chiến lược, giá trị lớn lao của vùng đất này càng được khẳng định khi Bác Hồ và Trung ương Đảng, với sự tài tình, tầm nhìn xa trông rộng đã quyết định chọn nơi đây làm căn cứ địa cách mạng, chọn Đình Tân Trào là nơi tổ chức Quốc dân Đại hội để lập ra Ủy ban Kháng chiến, tiền thân của Chính phủ nhằm phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc trước khi bước vào cuộc tổng khởi nghĩa giành độc lập, tự do cho dân tộc vào mùa Thu năm 1945.

Trong khoảng thời gian rất ngắn sau khi được triệu tập, trong điều kiện đường sá, phương tiện đi lại không thuận lợi, đại biểu từ khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, đại diện các ngành, các giới, các đảng phái chính trị và kiều bào đã không quản ngày đêm băng rừng, vượt núi để sớm có mặt tại thủ đô kháng chiến dự họp Quốc dân Đại hội, chứng tỏ sự đồng lòng, niềm tin mãnh liệt của người dân với sự lãnh đạo của Đảng. Với sự đồng lòng ấy, chỉ với hơn 60 đại biểu nhưng đại hội đã đại diện cho các tầng lớp nhân dân, phản ánh ý chí, khát vọng độc lập của cả dân tộc.

Chỉ trong hai ngày, 16 và 17-8-1945, đại hội đã giải quyết được nhiều vấn đề lớn như: cách thức tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh; thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội cũng quy định Quốc kỳ của Việt Nam là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa, Quốc ca là bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao. Hôm sau, sáng 17-8, thay mặt Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ quyết giành độc lập cho Tổ quốc.

Phiến đá thề trước sân Đình Tân Trào.
Phiến đá thề trước sân Đình Tân Trào.

Đáng lưu ý là việc đọc lời tuyên thệ diễn ra trong không khí thiêng liêng ngay bên cạnh phiến đá thiêng trước sân đình. Cùng với đông đảo đại biểu đại diện cho toàn thể nhân dân, phiến đá thiêng như tấm lòng đồng bào địa phương lặng thầm chứng giám, ủng hộ cho lời thề sắt đá giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Trước đó, khi tổ chức đại hội, ngôi đình được trang hoàng cờ hoa, bố trí chỗ ngồi đầy đủ cho đại biểu, nhưng gian thờ vẫn giữ nguyên sự trang nghiêm cần thiết cho sinh hoạt tâm linh của đồng bào. Chi tiết tưởng như rất nhỏ ấy đã thể hiện một điều rất quan trọng mà Bác vẫn luôn dặn dò cán bộ, trong hoạt động cách mạng, trong công tác vận động quần chúng phải luôn tôn trọng nhân dân, am hiểu và tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào địa phương. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng đến đâu Bác vẫn để ý học hỏi, tìm hiểu đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán ở nơi đó để có thể vận dụng, ứng xử một cách khéo léo, phù hợp, tạo được sự tin cậy, gần gũi với người dân.

Từ sau lễ tuyên thệ hôm đó, đồng bào gọi đây là phiến đá thề với niềm tự hào và lòng tin sắt son vào Đảng. Lòng tin, sự ủng hộ của nhân dân đã tạo nên bức tường thành vững chắc cho thủ đô kháng chiến. Đại hội Quốc dân Tân Trào là một minh chứng về sự đoàn kết, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, lòng tin tưởng tuyệt đối của toàn dân vào sự lãnh đạo tài tình của Đảng đã góp phần đưa đến thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp cách mạng.

Trải qua bao thời gian, đình làng có thể phai màu sương gió nhưng vẫn còn nguyên đó nét kiến trúc và bài trí đặc trưng cho nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt phiến đá thề vẫn kiên gan vững chãi trước nắng mưa, như nét son cho "địa chỉ đỏ" Đình Tân Trào thêm thắm mãi..

Hoa Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.