Coóng phù ấm áp mùa đông
Coóng phù là loại bánh mà đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng, Lạng Sơn thường làm vào dịp đông chí (giữa đông). Xưa thì như thế, còn bây giờ coóng phù là món ăn đường phố bán rất chạy trong những ngày đông giá lạnh.
Với nhiều người, nói đến mùa đông là nói đến coóng phù cũng như nói đến coóng phù là lại khiến người ta nhớ về những đêm đông rét mướt.
Thực ra, bánh coóng phù chẳng xa lại gì với mọi người. Coóng phù (còn có tên khác là thoóng phù, phù noòng) theo tiếng Tày, Nùng nghĩa là bánh trôi.
Thoạt nhìn, coóng phù của người miền núi cũng không khác bánh trôi của người miền xuôi là mấy. Cũng là gạo nếp xay thành bột nước, đựng trong túi vải cho ráo hết nước rồi nhào bột cho dẻo, vo viên, thả nước sôi… Nghĩa là cách làm cũng giống như làm bánh trôi vậy. Nhưng coóng phù ở đây có nhân làm bằng lạc rang giã nhỏ nấu với đường đỏ hoặc nhân là đỗ xanh nấu chín trộn đường kính trắng. Không giống như ở miền xuôi, nhân bánh chỉ là một viên đường đỏ.
Các hàng coóng phù ở miền cao Tây Bắc đủ hình đủ vẻ. Có những hàng đặt ngay dưới mái hiên, có hàng bày bán dưới gốc cây góc phố, cũng có hàng lại được bày biện trong quán bài trí lịch sự sáng choang ánh đèn. Và chỉ bắt đầu bán vào lúc chập tối cho đến nửa đêm. Đêm mùa đông miền núi rét buốt, sương đêm giăng mờ trên những ngọn đèn đường. Lúc này mà được thưởng thức một bát coóng phù thì còn gì bằng.
Coóng phù - món ăn của mùa đông. |
Ở hàng coóng phù bên đường, cô hàng bánh ngồi sau chiếc bàn dài, bên bếp lò tỏa ánh lửa hồng ấm áp. Nồi nước đường đang sôi lăn tăn trên bếp lò tỏa mùi thơm ngào ngạt. Đó là mùi thơm của đường phên (một loại đường thẻ của địa phương) lẫn mùi thơm của gừng. Để có nồi nước đường thơm ngon, người ta phải chăm chút rất cẩn thận. Đường phên nấu với nước sôi, lọc kỹ rồi mới đun lại. Gừng tươi được nướng lên cho thơm rồi đập dập thả xuống nấu cùng nước đường. Chiếc mâm nhôm xếp đầy những viên coóng phù trắng tinh. Cô hàng thả từng viên bánh vào nồi nước sôi, chờ một lát. Khi những chiếc bánh nổi lập lờ trên mặt nước, cô thong thả vớt vào bát, chan nước đường đang sôi lăn tăn trong nồi vào. Những chiếc coóng phù trắng ngần mượt mà trong bát nước đường nâu đỏ sóng sánh, thơm ngọt. Khách đón bát bánh, xuýt xoa, hít hà, thích thú. Vị dẻo quánh của nếp, vị bùi của nhân lạc cùng với vị ngọt của đường, vị thơm cay của gừng hòa quyện với nhau ngon lạ lùng, thật khó quên.
Coóng phù bây giờ bên cạnh bánh màu trắng truyền thống còn có bánh màu cam, màu cẩm. Để có bánh màu cam người ta nhào bột với gấc chín; còn để bánh có màu cẩm người ta ngâm gạo nếp với lá cẩm cho có màu rồi mới xay thành bột. Rồi người ta còn rắc thêm ít lạc rang giã dập vào bát khi ăn. Càng thêm màu sắc, hương vị cũng là sự sáng tạo để cho bát coóng phù thêm ngon, thêm ngọt.
Coóng phù đã trở thành nỗi nhớ của những người con quê núi đi xa, khi mùa đông về.
Hoàng Minh Sơn
Ý kiến bạn đọc