Multimedia Đọc Báo in

Ẩm thực miền đất đỏ cao nguyên

18:50, 10/02/2021

Người Đắk Lắk đi đâu cũng tự hào khoe, Đắk Lắk có đặc sản của cả nước. Bởi Đắk Lắk níu chân người từ nhiều miền quê khác nhau và họ đã chọn nơi này để lập nghiệp, sinh sống, rồi làm cho ẩm thực nơi đây trở nên phong phú.

Dù là món ăn được nấu cầu kỳ hay chế biến đơn giản thì cũng được hình thành từ sự biến tấu để phù hợp với người Đắk Lắk. Đó như là món ăn “đại diện” và chỉ cần nhắc tới món ăn thôi là người ta đã “định vị” ra ngay địa phương nào đó.

Như Buôn Ma Thuột, ngoài thứ thức uống vang danh là cà phê thì còn là nơi xuất phát của cơm lam, gà nướng, rượu cần, cá lăng sông Sêrêpốk. Còn một món ăn đường phố dân dã ở Buôn Ma Thuột không thể không nhắc đến đó là bún đỏ. Người Đắk Lắk xa quê hoặc tiếp đón bạn bè ghé thăm chơi ngoài tự hào xứ sở cà phê, hồ tiêu, còn có niềm tự hào chỉ có mỗi Đắk Lắk quê mình là mới có bún đỏ. Nhiều người còn ví “đến Buôn Ma Thuột mà chưa ăn bún đỏ thì coi như chưa đến”.

Bún đỏ làm cho thực khách bất ngờ khi thưởng thức lần đầu. Đó không hẳn là bún riêu, cũng không được xếp vào món bánh canh. Đây là món ăn được hợp thành từ sợi bún to như sợi bánh canh nhưng có màu đỏ, miếng riêu được làm từ thịt cua, thịt heo, tép xay nhuyễn, và còn có thêm trứng cút, hành phi, tóp mỡ. Nước dùng được ninh kỹ từ xương heo, xương bò, nước cua nên có độ ngọt đậm đà. Rau ăn kèm không phải là rau sống mà là rau đã chần sơ như cải ngọt và không thể thiếu rau cần. Khi ăn, thực khách thường cho thêm một ít ớt xay, mắm tôm để tô bún sánh đỏ, nhìn rất hấp dẫn. Nhiều người từ nơi khác đến, được chiêu đãi tô bún đỏ thì không khỏi ngạc nhiên thích thú. Và họ vẫn mong trở lại Buôn Ma Thuột thêm vài lần nữa, không phải chỉ để ngắm cái thênh thang của thành phố cao nguyên vào mùa gió lộng mà để ăn cho đã một tô bún đỏ!

Đi đến một miền đất, người ta thường hay “đi để chơi và đến để ăn cho biết”. Đắk Lắk có nhiều món ngon làm người ta phải ghé đến để ăn, rồi lại muốn đến nữa, vì nhớ và vì thèm. Nỗi nhớ của huyện Lắk là chả cá thát lát. Một vị cao niên sống cạnh hồ Lắk kể rằng, cá thát lát được tạo nên bởi đất trời. Chính nguồn nước và thức ăn dồi dào từ thượng nguồn núi Chư Yang Sin hùng vĩ đổ về đã góp phần nuôi dưỡng cá thát lát hồ Lắk. Làm chả cá thát lát, lạ ở chỗ là không cần phải “gia” thêm một tí “vị” nào ngoài chút tiêu, nước mắm thì miếng chả cá thát lát đã ngon, giòn và có độ ngọt tự nhiên rồi. Lát chả cá thát lát được chiên vàng đặt trên đĩa phủ mấy cọng rau thì là dậy nên vị ngon ngọt của nó khiến thực khách phải hít hà một cách thích thú khi thưởng thức.

Thực khách thưởng thức bún đỏ trên đường Phan Đình Giót, TP. Buôn Ma Thuột
Thực khách thưởng thức bún đỏ trên đường Phan Đình Giót, TP. Buôn Ma Thuột.

Nhắc đến huyện Ea Kar, người ta nghĩ ngay đến món cơm gà chiên vàng, đậm vị thơm nồng. Cùng là món ăn quen thuộc nhưng cơm gà Ea Kar được chế biến một cách độc đáo và mang nét đặc trưng riêng. Gạo để nấu phải là loại gạo được làm ra từ Nông trường Cà phê 721. Gà phải là giống gà thả vườn ở Ea Kar. Cơm được nấu từ nước luộc gà, có tẩm bột nghệ. Sau đó được chiên bằng mỡ gà nên rất béo và giòn ngoài da mà không gây ngán.

Đắk Lắk còn có nhiều đặc sản mang vị đậm đà khác biệt mà thực khách đã ăn một lần sẽ nhớ mãi. Như nhắc đến huyện Ea Súp là nhắc đến đặc sản xoài Ea Súp, măng rừng. Còn điều làm nên sự hấp dẫn của huyện Krông Ana là đặc sản gạo Krông Ana. Gạo ở đây khi nấu lên có vị dẻo thơm một cách riêng biệt. Cũng là loại lúa đó nhưng trồng trên vùng đất khác lại không có vị như vậy. Còn về huyện Cư M’gar hay Krông Pắc, khó có thể bỏ qua tô mì Quảng gà hoặc mì Quảng ếch có vị rất riêng không nơi nào có được...

Người Đắk Lắk vốn tính phóng khoáng. Để làm nên các món ăn đó, dĩ nhiên người nấu có những bí quyết riêng, nhưng “gia vị” chính là sự thanh khiết như tâm tính của người làm ra nó. Hầu như ghé bất kỳ quán ăn nào ở Đắk Lắk, thực khách cũng thấy “nhộn” lên bởi cái chân chất nguyên sơ và cởi mở, thân thiện của người bán. Ấy là cốt cách của người Đắk Lắk. Cái ngon bao giờ cũng được chắt lọc nên từ chính tình người. Và điều đó làm nên nỗi nhớ.

Có lẽ vì vậy, những người sành ăn không thể quên được hương vị riêng biệt đậm đà của món ăn được chế biến, thưởng thức ngay chính trên mảnh đất bazan này. Muốn biết, nhất định phải đến và khám phá!

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.