Multimedia Đọc Báo in

Chinh phục đỉnh Hòn Tàu

08:00, 21/02/2021

Hòn Tàu là một cụm núi nằm ở ranh giới ba huyện Quế Sơn, Nông Sơn và Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Theo cột mốc của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đặt trên đỉnh núi Hòn Tàu thì ngọn núi này có độ cao 953 m so với mực nước biển. Theo lời kể của các vị cao niên thôn Lộc Đại (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn), Hòn Tàu trước đây có tên gọi là Tào Sơn (núi Tào) nhưng sau này nhiều người đọc trại chữ Tào thành chữ Tàu, và khi leo lên đến đỉnh Hòn Tàu, có thể nhìn thấy đến tận Cửa Đại (Hội An), Cửa Hàn (Đà Nẵng), thấy rõ tàu thuyền ra vào tấp nập.

Hòn Tàu có diện tích gần 100 km2 với nhiều núi hiểm trở như Mặt Rặng, Cù Hang, Nhà Mũi... nơi có nhiều hang động rất rộng có thể chứa được hàng chục người. Với địa hình hiểm trở và nằm ở vị trí chiến lược, Hòn Tàu đã được Đặc khu ủy Quảng Đà chọn làm căn cứ trong những năm kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1967 - 1975).

Lối vào Hang Dẽ - một trong những căn cứ của Đặc khu ủy Quảng Đà.
Lối vào Hang Dẽ - một trong những căn cứ của Đặc khu ủy Quảng Đà.

Trên đường chinh phục đỉnh Hòn Tàu, bạn có thể dừng chân tham quan một số địa điểm như: hang Dẽ, hang Ô tô, bàn tròn đá nơi diễn ra các cuộc họp bí mật... nơi đơn vị công trường 31 (thuộc Sư đoàn 2, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam) đóng quân trong những năm kháng chiến chống Mỹ và nghe người dân nơi đây kể về những trận đánh ác liệt giữa ta và địch ngay trên núi Hòn Tàu...

Khi lên đến độ cao khoảng 800 m, thoát ra khỏi những tán cây rừng rậm rạp và nhìn thấy ngọn núi Hòn Tàu trước mặt, bạn như bước vào một thế giới khác với không gian thoáng đãng tràn ngập ánh nắng và gió... Băng qua đám cỏ tranh, cây bụi rậm rạp để chạm chân đến cái đích cuối cùng: đỉnh núi Hòn Tàu. Thật là ngoài sức tưởng tượng, đỉnh núi Hòn Tàu rất rộng và tương đối bằng phẳng vì trong những năm chiến tranh đã được san ủi làm sân bay dã chiến để Mỹ - ngụy đổ quân đánh phá các căn cứ của ta đóng quân ở Hòn Tàu... Tại đây bạn có thể chạm tay vào cột mốc tọa độ ghi độ cao của đỉnh Hòn Tàu - 953 m. Không khí trên đỉnh Hòn Tàu cực kỳ trong lành và mát mẻ. Có cảm giác như những đám mây trắng trôi bồng bềnh trên đầu và tưởng tượng đưa tay lên là có thể với tới được. Từ đây, phóng tầm mắt về phía huyện Duy Xuyên, bạn sẽ cực kỳ ấn tượng với cảnh trời mây, non nước bao la. Ngay phía trước mặt là đỉnh núi Hòn Quắp uy nghiêm, sừng sững; xa xa là dòng sông Thu Bồn xanh ngắt đang lượn lờ chảy giữa thung lũng Mỹ Sơn với bạt ngàn màu xanh cây cỏ, những con đường trông như những dải lụa mềm mại uốn lượn chạy quanh co qua những xóm làng trù phú, những ô ruộng vuông vức mơn mởn xanh nối tiếp nhau trông như một bàn cờ... Phóng tầm mắt ra xa, bạn còn có thể ngắm nhìn màu xanh bao la của biển, của Cù Lao Chàm, của miền đồng bằng trù phú, đồi núi trùng điệp và những làng quê yên ả, thanh bình.

Địa điểm từng là sân bay dã chiến trên đỉnh Hòn Tàu.
Địa điểm từng là sân bay dã chiến trên đỉnh Hòn Tàu.

Khu căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà tại núi Hòn Tàu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 2012. Tỉnh Quảng Nam cũng triển khai Dự án Bảo tồn Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà. Sau hơn hai năm triển khai thực hiện, nay đã có đường mở rộng, bê tông hóa đấu nối với tuyến ĐH8 của huyện Duy Xuyên để ô tô vào tận khu di tích - nơi có nhà bia tưởng niệm, nhà đón tiếp, nhà trưng bày và phục dựng nhà ở, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà... Trong tương lai, Hòn Tàu sẽ là một trong những điểm tham quan di tích lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho thế hệ trẻ và là địa điểm hấp dẫn cho khách du lịch muốn trải nghiệm chinh phục đỉnh Hòn Tàu - một dãy núi kỳ vĩ, bí hiểm và đặc biệt mang đậm dấu ấn hào hùng của một thời lịch sử oanh liệt..

An Trường

 


Ý kiến bạn đọc