Mít non ngày ấy
Ở Tây Nguyên, mít được trồng nhiều bởi nơi đây đất đai màu mỡ, khí hậu phù hợp. Mít trồng góc sân, mít ngay bờ rào, mít ven đường làng, mít xen trong lô cà phê…
Ngày ấy, cũng chưa phải xa xôi gì, mới cách đây khoảng vài mươi năm, cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các gia đình đến đây xây dựng vùng kinh tế mới, bữa cơm hằng ngày của nhiều nhà rất đạm bạc, thức ăn chỉ có rau mắm dưa cà là chính. Nhưng những người mẹ, người chị chịu thương chịu khó đã khéo chăm lo để gia đình có được bữa ăn tươm tất. Chỉ loanh quanh cây trái trong vườn, chẳng tốn kém gì mà vẫn có những món đưa cơm thật ngon miệng. Mít non là một trong số những món ăn đó.
Mít sẵn có trong vườn nhà, các mẹ, các chị chọn hái lấy quả mít non. Chọn mít non cũng phải khéo. Mít mà non quá khi nấu hay bị nát, lại nhạt, kém ngon. Còn mít mà già lại có vị lờ lợ rất ngang, nấu hay bị sượng. Mít non được chọn là những quả to vừa phải, gai còn nhọn, không móp méo lồi lõm. Mít hái về được gọt lớp vỏ gai bên ngoài, bổ dọc làm đôi rồi cắt bỏ phần lõi. Lại xẻ mít ra thành từng miếng cỡ bàn tay. Mít bổ xong đem ngâm vào trong chậu nước muối một lúc cho chảy hết nhựa. Mít sạch nhựa vừa trắng vừa không bị chát.
Những miếng mít trắng ngà được đem luộc. Chỉ luộc cho vừa chín tới, vớt ra để nguội rồi thái lát mỏng. Mít non nên múi còn nhỏ, hạt mềm, xơ nhiều và cùi dày, thái ra cứ từng lát trắng mềm trông thật thích. Ra sau vườn hái vài trái ớt, ít lá ngò gai, rau răm, rau húng, toàn thứ của nhà trồng được. Mẹ bắc chảo lên bếp, phi hành mỡ cho thơm rồi cho mít vào xào. Do mít đã được luộc nên khi xào để lửa to, đảo nhanh tay, mít ngấm đều muối mắm, chín mềm mà vẫn giữ được độ giòn. Mít chín, nêm nếm cho vừa ăn, cho vài lát ớt, trộn rau răm, rau húng cùng ít lá ngò gai thái nhỏ vào, cuối cùng rắc thêm nắm đậu phụng rang giã dập nữa là được. Đơn giản thế thôi nhưng đĩa mít xào sao ngon lạ. Không biết ngon do cái vị giòn ngọt đậm đà của mít cùng chút cay cay của ớt và các loại rau thơm, chút bùi bùi ngậy ngậy của đậu phụng hay ngon vì có sự chăm chút của người mẹ trong đó.
Bình thường món mít non chỉ đơn sơ như vậy, còn hôm nào có được mớ tép đồng xào cùng thì bữa ăn hôm đó hao cơm phải biết.
Đĩa mít non xào tép thơm ngon. |
Có bữa, vẫn là mít non nhưng người mẹ tảo tần lại làm món mít trộn. Cũng lại luộc mít nhưng phải luộc cho chín mềm, xé nhỏ, để cho ráo nước. Bì heo luộc chín, thái cho thật mỏng. Bì thái rồi bóp kỹ với muối, bột ngọt và lá chanh thái nhỏ. Xong xuôi đảo đều với mít đã xé nhỏ. Lại đậu phụng rang, rau răm, ngò gai, vài lát ớt trộn vào. Đĩa mít trộn nhìn thật thích. Có màu trắng ngà của sợi mít, màu trắng mỡ màng của bì heo, loáng thoáng vài lát ớt đỏ xen lẫn màu xanh của rau thơm.
Bữa cơm chiều dọn ra, đĩa mít trộn đầy ắp hấp dẫn cả nhà. Lũ trẻ vừa ăn vừa líu ríu khen ngon. Người cha sau một ngày mệt nhọc ngoài đồng, nhấp chút rượu giải mỏi, gắp miếng mít trộn đưa cay, gật gù. Sợi mít mềm, bì heo giòn lựt sựt, đậu phụng rang thơm bùi, chanh ớt, ngò răm thơm cay. Vừa ngầy ngậy đậm đà vừa thanh mát. Người mẹ quê nhìn chồng con ăn ngon miệng mà hởi lòng hởi dạ.
Mùa lại mùa qua đi. Những vụ cà phê, hồ tiêu, những vụ lúa, vụ bắp đã giúp cuộc sống của bà con trên đất Tây Nguyên ngày một khởi sắc. Bây giờ món mít non ở đây cũng mang một diện mạo mới: gỏi mít non tôm thịt, mít non trộn xúc bánh tráng, mít non rim sườn chua ngọt, mít non nấu canh xương, mít non kho ba chỉ… thật phong phú và hấp dẫn. Từ một món ăn đưa cơm cho chắc bụng thời nghèo khó, mít non lại trở thành món ngon không thể thiếu trong nhiều bữa tiệc chốn quê kiểng, như nhắc nhở đừng quên những lam lũ ngày xưa.
Hoàng Minh Sơn
Ý kiến bạn đọc