Multimedia Đọc Báo in

Cù nèo - món rau đặc sản của miền Tây sông nước

12:45, 10/04/2021

Cù nèo (hay còn gọi kèo nèo) là loài cỏ dại sinh trưởng mạnh, dễ thích nghi ở miền Tây sông nước. Chẳng biết cù nèo trở thành rau ăn từ khi nào, chỉ biết vị nó rất ngon, dẻo giòn, cảm giác khi nhai rạo rạo ở kẽ răng khiến cho người già lẫn trẻ đều ưa thích.

Cần phân biệt cù nèo với rau tai tượng, bởi một số sách báo hay nhầm lẫn hai loại rau này. Cù nèo có lá hình tim nhọn, thân mềm xanh tím, khi còn non lá có móc ở đầu (nên gọi là cù nèo). Tai tượng lá giống tai voi, thân ba khía, màu xanh sáng, cứng cáp hơn. Ngoài làm rau ăn thì theo y học cổ truyền, cù nèo còn là vị thuốc có vị ngọt tính mát, tác dụng thanh thấp nhiệt, lợi tiểu, nhuận tràng, tiêu viêm. Kinh nghiệm dân gian thường dùng cù nèo chữa viêm tiết niệu, nam giới di tinh, mộng tinh, nữ giới khí hư bạch đới.

Mùa nước lên hay khi lũ tràn đồng, mặc cho những loài cây thân thảo bị tróc rễ trôi dạt, cù nèo vẫn bám trụ lại, từ dưới bùn vươn cao mơn mởn. Ngày trước, người dân miệt vườn nhổ thứ cây này về ăn cho qua cơn đói. Rồi cứ thế, ngày tháng trôi dần, cù nèo nghiễm nhiên trở thành món rau đặc sản của người dân Nam Bộ. Hiện tại, loại rau này mang lên thành phố bán với giá vài chục nghìn đến cả trăm nghìn đồng một ký mà vẫn “cháy hàng”.

      Rau cù nèo.
Rau cù nèo.

Chế biến rau cù nèo theo kiểu người miền Tây sông nước rất đơn giản, dân dã mà ngon. Rau cù nèo ăn sống được xem là ngon nhất, giữ được nguyên vẹn chất dinh dưỡng khi chấm với kho quẹt, nước cá kho lạt. Những cọng cù nèo giòn giòn, dẻo dẻo kết hợp với vị đậm đà của nước chấm tạo nên một món ăn tuy đơn giản nhưng ngon miệng làm sao. Hay những lúc nhà chẳng có đồ ăn, hái mớ rau cù nèo rửa sạch, cắt khúc, luộc sơ với nước sôi, vớt ra chấm với tương hột, chao, nước tương đều làm cạn đáy nồi cơm trắng. Cầu kì hơn một chút có thể làm cù nèo muối chua. Cù nèo muối chua vị chua chua mặn mặn (để được vài ngày), thường dùng với các món ăn chính như thịt kho, cá chiên… Cù nèo xào với tôm, thịt, lòng là món nhậu ưa thích của cánh đàn ông.

Cù nèo còn xuất hiện trong những món lẩu của người Nam Bộ. Đặc biệt là lẩu mắm, mắm kho, nếu thiếu cù nèo (hoặc rau tai tượng) thì dù cho vô vàn các loại rau sống khác cũng cảm thấy thiếu thiếu điều gì đó. Không chỉ có lẩu mắm, cù nèo trong nồi canh chua của người miền Tây cũng giúp tăng vị ngon, lạ miệng. Bởi trong thớ rau cù nèo mỏng manh ấy, có vị chát nhẹ, ngọt nhẹ và kể cả vị mặn của hương phù sa.

Trần Thái Học


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.