Multimedia Đọc Báo in

Trịnh Công Sơn - người của vỗ về, an ủi

14:42, 28/04/2021

Trịnh Công Sơn (1939 - 2001) là một kỳ tài âm nhạc của Việt Nam và thế giới hiện đại. Ông là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi “thổi” tinh hoa tư tưởng, triết lý, tôn giáo vào những ca khúc của mình bằng một cảm xúc chân thành và da diết.

Mỗi bài hát của ông đều mang hơi thở của cuộc đời, hay ít ra cũng phập phồng da thịt một linh hồn với vui buồn, hy vọng, tiếc nuối, xót xa của kiếp người hữu hạn. Đó cũng là điều hết sức thú vị khi đi vào khám phá thế giới âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Khát vọng hòa bình, ước muốn một đời sống an lành... là điều mà Trịnh Công Sơn hướng tới. Với tinh thần và tâm thế ấy, những ca khác phản chiến của Trịnh: "Gia tài của mẹ", "Hát trên những xác người",  "Đại bác ru đêm", "Ca dao Mẹ"... là những khúc kinh cầu bằng âm thanh, là thang thuốc giúp con người ta phần nào chữa lành vết thương để đi qua cuộc chiến.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.  Ảnh: Internet
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Internet

Với những suy tư về cuộc đời, bản thể con người trong thế giới này, có thể nói rằng hầu hết ca khúc Trịnh Công Sơn đều chất chứa hiện sinh. Và ở đó, những phạm trù cơ bản như: nỗi buồn, nỗi cô đơn, cái chết, sự chờ đợi, chia ly... là ám ảnh thường trực, phát tiết chân thành đẹp đẽ và lộng lẫy để có "Cát bụi", "Ở trọ", "Ngẫu nhiên", "Dấu chân địa đàng", "Phúc âm buồn", "Tiến thoái lưỡng nan"... Với Trịnh, nỗi buồn và những âu lo, trăn trở hiện sinh là bản thể thứ hai của con người, không thể lánh xa, không thể chối từ, đó phải là một hành trang tinh thần chung thủy, thậm chí là không đầu, không cuối: "Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người" (Gọi tên bốn mùa). Vì là thuộc tính con người nên không thể khác: "Ôi, cát bụi mệt nhoài, vết mực nào xóa bỏ không hay" (Cát bụi); "Tôi nay ở trọ trần gian/Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời" (Ở trọ)...

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói: "Về bản chất, tôi là người bi quan. Để đưa tang những sự vui hời hợt, để nối lòng mình với những đoạn trường thế sự cùng anh em bốn phương, tám cõi. Nỗi buồn chính đáng cần phải được vinh danh đúng nghĩa như là một phẩm giá con người, một năng lực nhân tính trong sáng tác của những nghệ sĩ chân chính”. Với nghệ sĩ lớn như Trịnh lại càng phải thế. Cho đến khi ông không còn trên cõi tạm nữa thì nhiều người vẫn hình dung nhạc sĩ thường một mình, ngược lối hồng hoang hái lượm nỗi buồn.

Trong tình ca, những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều nương tựa giai nhân. Nhiều người cho rằng không có phái đẹp sẽ không có nhạc Trịnh. “Tính nữ” là căn bản của nhạc Trịnh - là mẹ, là chị, là em, là người đẹp... Thông qua những hình tượng (được viết hoa) này để nhạc sĩ vui, buồn, xót xa, cay đắng, đợi chờ và hy vọng để được sống đến tận cùng năng lượng, lý tưởng của mình với cuộc đời.

Dù lúc nào, ở đâu, ca khúc của ông hát lên là cứ mênh mang và diệu vợi, an ủi vô vàn phận người đã vui và sẽ buồn trong thanh âm trong suốt, vỗ về. Sinh thời Trịnh Công Sơn không ham những danh hiệu trong nghệ thuật, nhưng dù vậy vẫn có đông đảo người yêu quý nhạc ông như thể tín đồ. Đó là quà tặng vô giá mà phải qua nhiều trăm năm may ra tạo hóa mới kết tinh được một đôi người.

Phạm Xuân Dũng


Ý kiến bạn đọc