Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất thành công nhiên liệu sinh học

19:36, 10/05/2010

Sau nhiều năm nghiên cứu, Viện Khoa học vật liệu ứng dụng (IAMS) trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thành công trong việc tạo ra nhiên liệu sinh học và nhiều sản phẩm khác từ công nghệ ép các loại hạt cây có dầu.

Chạy thử nhiên liệu sinh học trên máy phát điện
Chạy thử nhiên liệu sinh học trên máy phát điện
Công nghệ này có thể ép tất cả các loại hạt có dầu như: cao su, jatropha (cây cọc rào), sở, bông vải, đay, thuốc lá và các loại cây ăn trái có hạt nhón, hạt na… Sản phẩm cuối cùng sẽ cho một loại nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường. Ngoài dầu sinh học là sản phẩm chủ yếu, công nghệ ép dầu này sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm sinh học khác như thuốc trừ sâu sinh học, mỡ, dầu nhờn sinh học, phụ gia sinh học, glyxerin, các dược chất dùng trong y tế, chất bã thải để sản xuất phân bón sinh học, thức ăn gia súc, vật liệu composite v.v…

Sản phẩm dầu sinh học đã được thử nghiệm trên động cơ xe ô tô và máy phát điện cho kết quả tốt, máy chạy ổn định, công suất đạt yêu cầu so với các dạng nhiên liệu hóa lỏng khác nhưng lại “sạch” hơn do nồng độ các chất độc hại có trong khí thải giảm đáng kể. Công nghệ sản xuất dầu sinh học (Biodiesel) ở qui mô 100kg/ngày đã được Hội đồng KHCN của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc. Mẫu biodiesel B-100 đạt tiêu chuẩn Việt Nam (một số tiêu chuẩn do Trung tâm đo lường chất lượng 3 phân tích, một số tiêu chuẩn khác như độ ổn định oxy hóa, hàm lượng ester… do Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng phân tích trên các thiết bị hiện đại như GCMS, Transimat…

Sản phẩm phụ như thuốc trừ sâu sinh học là các chất có hoạt tính sinh học được trích ly từ hạt trong quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học. Tuy chỉ chiếm 1% trong thành phần hạt nhưng các chất có hoạt tính sinh học này lại có giá trị kinh tế rất cao, có thể sử dụng sản xuất thuốc trừ sâu sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp rất có hiệu quả đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái rất tốt. Một số chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học ban đầu đã được sử dụng diệt trừ bọ đầu đen ở tỉnh Bình Dương và nhiều loại cây trồng khác, đặc biệt là trên các loại rau màu cho kết quả khả quan trong thời gian gần đây. Sau khi trích dầu từ hạt, lượng bã còn lại khoảng 35% so với nhân có chứa khoảng 50% protein, cao hơn rất nhiều so với khô đậu nành nên đây là nguồn nguyên liệu quí để sản xuất thức ăn gia súc phục vụ chăn nuôi rất tốt sau khi loại bỏ chất độc tố saponin. Ngoài các sản phẩm phụ nói trên, từ các vỏ hạt trẩu, sở, cao su, Jatropha… được xay nhỏ, sau đó trộn với phụ gia và phối liệu, ép ở vùng nhiệt độ từ 220-230oC, với lực ép 30kg/cm2 các nhà khoa học IAMS đã cho ra đời các tấm ván ép bền nước, giá thành hạ, có các ưu điểm hơn hẳn các loại ván ép hiện đang bán trên thị trường.

Kết quả sản xuất thử nghiệm với 6 tấn nguyên liệu hạt tổng hợp có dầu đã thu được hơn 1.500 lít dầu, 6.000 kg phân bón có bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác, 400 lít thuốc trừ sâu sinh học và 200kg glyxerin dạng thô. Điều đặc biệt của công nghệ là tùy theo nhu cầu đầu ra của thị trường mà chúng ta có thể chủ động xác định sản phẩm chính cần sản xuất. Với công nghệ ép dầu mới này, mỗi năm nước ta có thể sản xuất 2 triệu tấn nhiên liệu sinh học phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu đưa lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Việc triển khai các vùng trồng cây nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến theo công nghệ tiên tiến này trong tương lai sẽ mở ra cơ hội tạo thêm việc làm cho nhiều lao động ở các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… góp phần xóa đói, giảm nghèo và giúp nông dân nhiều nơi vươn lên làm giàu ngay chính trên quê hương mình; đồng thời có đóng góp quan trọng trong chủ trương của Chính phủ về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế các tác hại của biến đổi khí hậu.

Theo NNVN

 


Ý kiến bạn đọc