Multimedia Đọc Báo in

Sương giá và cách bảo vệ cây trồng khỏi tác hại của sương giá

15:49, 26/11/2010

Tây Nguyên có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp là có nền nhiệt độ ôn hòa, mùa hè không quá nóng còn mùa đông lại không quá lạnh. Tuy nhiên, trong một số ít ngày của các tháng mùa đông, nhất là thời kỳ từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 2, vào lúc ban đêm về gần sáng sớm, nhiệt độ giảm thấp hơn nhiệt độ tối thấp sinh học của nhiều loại cây trồng nhiệt đới và á nhiệt đới. Bởi vậy trong thời kỳ này một số loại cây trồng như rau màu, cây lương thực và các loại cây trồng ưa nóng gặp sương giá thường sinh trưởng kém, thậm chí có thể tàn úa từng đám, giảm năng suất.

Số liệu quan trắc và khảo sát khí hậu nông nghiệp cho thấy, ở những nơi có độ cao trên 1.000 mét, những ngày mùa đông thường có hiện tượng lạnh do hiệu ứng giảm nhiệt độ theo độ cao địa hình, là quy luật tự nhiên của khí hậu vùng núi cao. Còn ở những vùng thung lũng hẹp của các dãy núi đá có chế độ nhiệt khá cao nhưng do không khí lạnh chảy xuống từ các sườn núi nên nhiệt độ hạ thấp hơn so với vùng cao nguyên bằng phẳng. Sương giá được hình thành thuận lợi trong điều kiện ban đêm; trời quang mây, lặng gió làm cho nhiệt độ mặt đất hạ thấp hơn nhiệt độ không khí, hơi nước trong lớp không khí ở vùng tiếp giáp với mặt đất lạnh sẽ ngưng tụ thành những giọt nước li ti bám vào lá cây, ngọn cỏ. Khi mặt trời mọc, dưới tác dụng của bức xạ mặt trời, các hạt sương lạnh bốc hơi nhanh chóng làm cho các mô cây bị giảm nhiệt độ đột ngột tới dưới giới hạn sinh vật học đã phá hủy cơ chế tế bào sinh vật của cây, làm lá cây bị héo táp, nhất là những cây non. Do đó, vào những ngày xảy ra nhiệt độ thấp nhất nhỏ hơn 10oC (nhiệt độ tới hạn của nhiều loại cây trồng nhiệt đới), trời quang mây, lặng gió (gió có tốc độ từ 0 – 1m/s) là những ngày có khả năng xảy ra hiện tượng sương giá. Ở Tây Nguyên, các vùng có độ cao từ 700 mét trở xuống hằng năm chỉ có khoảng 10 ngày có sương giá; các vùng có độ cao từ 700 mét trở lên, nhất là từ trên 1000 mét thì khả năng xảy ra sương giá nhiều hơn.

Hiện tượng sương giá hằng năm tuy xảy ra không nhiều nhưng ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và hình thành năng suất của cây trồng nên cũng có hại nhất định tới sản xuất. Do vậy, phòng chống sương giá là việc làm cần thiết của nhà nông trong vụ đông xuân hằng năm với nhiệm vụ căn bản là phải ngăn sự lạnh đi của mặt đất và làm chậm hoặc hạn chế sự bốc hơi nước nhanh của lá cây. Những phương pháp đơn giản thường được áp dụng có hiệu quả là hun khói, phủ gốc, tưới nước vào chiều tối và sáng sớm (trước khi mặt trời mọc) và tăng cường dinh dưỡng cho cây,…

Tưới nước giữ ẩm, một trong những biện pháp hạn chế tác hại của sương giá đối với rau màu.
Tưới nước giữ ẩm, một trong những biện pháp hạn chế tác hại của sương giá đối với rau màu.

Để biết trước liệu hiện tượng sương giá có xảy ra hay không cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết hằng ngày. Nếu có dự báo nhiệt độ thấp nhất xuống dưới 13oC, trời quang mây, gió nhẹ thì phải có các biện pháp phòng chống kịp thời. Nhiều kinh nghiệm đúc kết từ các tỉnh miền Bắc nước ta cho thấy nông dân thường dồn cấn rác và cỏ ẩm thành từng đống ở đầu hướng gió (đối với Tây Nguyên là hướng Đông Bắc) để hun đốt tạo thành màn khói phủ khu canh tác. Màn khói nằm rải trên lớp không khí sát mặt đất sẽ có tác dụng che chở cho mặt đất bớt lạnh đi do bức xạ nhiệt của mặt đệm, khiến nhiệt độ tăng đến vài ba độ so với nơi không hun khói. Đối với hoa màu, cây lương thực trồng trên đất tơi xốp cần phải tưới nước vào chiều tối làm tăng hàm lượng ẩm trong đất để tăng khả năng giữ nhiệt và nâng cao độ dẫn nhiệt khiến cho nhiệt độ ở lớp đất sâu cao hơn được dẫn lên điều hoà sự lạnh đi của mặt đất do bức xạ. Buổi sáng sớm, trước khi mặt trời mọc, lá cây phủ dày lớp sương móc nên cần phải phun nước tưới, rửa sương để chống lại sự lạnh thêm của lá cây khi giọt sương lạnh bốc hơi dưới ánh sáng mặt trời buổi sáng. Đối với lúa non mới sạ hoặc ruộng mạ, cần giữ nước đều và bón thêm phân để sức chịu đựng lạnh giá tốt hơn. Các nhà nông học khuyến cáo, bón phân chuồng ủ mục và kali sẽ tăng sức chịu đựng lạnh giá của cây trồng; còn bón phân đạm nhiều làm cho cây sinh trưởng nhanh nhưng lại giảm sức chịu rét.

Kết quả nghiên cứu của các nhà sinh vật học và nông học cho thấy tác hại của sương giá, sương muối không chỉ quyết định bởi cường độ của nó mà cái chính là thời gian kéo dài và sức chịu đựng của cây trồng, thời tiết lúc có sương giá và sau khi có sương giá xảy ra. Sương giá có cường độ như nhau nhưng nếu thời gian kéo dài thì tác hại càng lớn. Sương giá ở Tây Nguyên chỉ xảy ra trong thời gian ngắn trong khoảng từ nửa đêm đến sáng sớm; khi mặt trời mọc thì nhiệt độ lại tăng khá nhanh làm cho cây trồng đang phải chịu đựng giá lạnh lúc gần sáng sớm thì ngay sau đó phải chịu đựng nhiệt độ khá cao do cái nắng chói chang của bầu trời không một gợn mây khiến chúng luôn phải thay đổi trạng thái sinh lý mới thích nghi được. Vậy nên trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc thực hiện phòng chống sương giá thì đồng thời cũng cần phải chống nắng nóng, bởi trạng thái thay đổi nhiệt độ chỉ xảy ra trong một ngày đêm nên cây trồng, vật nuôi sẽ khó thích nghi kịp, dễ sinh bệnh nếu không có biện pháp xử lý thích hợp.

KS. Nguyễn Văn Huy

(Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.