Multimedia Đọc Báo in

Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên vùng đất bạc màu

10:41, 30/03/2011

Anh Tô Trung Cận sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo Hương Khê, Hà Tĩnh. Năm 1983, sau khi xuất ngũ, anh vào làm công nhân cao su Nông trường Hiếu Liêm - Đồng Nai nhưng cuộc sống gặp nhiều trắc trở, nên năm 1988 anh lên Bình Phước làm rẫy và tại đây anh đã xây dựng gia đình với chị Lê Thị Làm. Cuộc sống vẫn quá chật vật, anh cùng vợ con đến thôn 12, xã Ea Pil (M’Drak) để lập nghiệp. Với vốn liếng tích cóp được trong nhiều năm phiêu bạt, anh mua được 10 ha đất trong đó chỉ có 8.000 m2 đất trồng mía, còn lại là đất sỏi đá, lau lách.

Cuộc sống trên quê hương mới những ngày đầu thật khó khăn, chật vật đường xá đi lại khó khăn… nhưng không vì thế mà làm anh Cận nản lòng.  Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, anh quyết định trồng thử trên 2.000 cây cao su trên diện tích 3 ha, mặc dù ai cũng khuyên anh nên trồng cây khác bởi cây cao su không hợp với thổ nhưỡng, đất đai khí hậu ở đây. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh Cận được vay 30 triệu đồng vốn do Hội Nông dân đứng ra tín chấp để đầu tư mua phân bón cho vườn cao su và cải tạo 5.000 m2 ao trồng lúa và thả cá theo mùa trên cùng một diện tích, còn lại anh trồng mía mì và bắp lai. Đến nay, 3 ha cao su của anh đã bắt đầu cho thu hoạch với mức 50kg mủ/ngày, thu hoạch liên tục từ 8-9 tháng/năm, trừ chi phí cũng mang lại cho gia đình anh nguồn lãi 16 triệu đồng/tháng. Hiện nay trang trại của anh vẫn đang tiếp tục mở rộng để trồng thêm 3 ha cao su,  1 ha mít cao sản với gần 1.000 cây bắt đầu cho thu hoạch. Anh còn thả gà, nuôi dê và heo rừng dưới tán cây mít. Tổng nguồn thu từ mô hình vườn ao chuồng của anh lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình anh có của ăn, của để, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt và có điều kiện để lo cho con cái ăn học. Các con anh đều đã trưởng thành, được học hành đến nơi đến chốn và có cuộc sống ổn định.

Không những cần cù, chịu khó tìm cách làm giàu cho gia đình mình, trong những năm qua, anh Tô Trung Cận còn đi đầu trong các hoạt động đóng góp, nhân đạo từ thiện và giúp đỡ bà con trong thôn cùng phát triển như: cho gia đình anh Lê Hồng Sơn thôn 8, xã Ea Pil mượn 1,5ha đất ruộng để trồng lúa thoát nghèo. Đặc biệt, anh Cận còn góp 70 triệu đồng để kéo điện cho một số hộ trong thôn.

 

Tiến Đức

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.