10:28, 27/03/2011
Năm 1988, ông Phạm Văn Tuấn rời quê hương Hà Tĩnh vào vùng kinh tế mới Dak Lak để lập nghiệp. Chỉ đủ tiền mua hơn 1,4 ha đất nông nghiệp ở xã Cuôr Knia (Buôn Đôn), ban đầu ông cải tạo đất trồng mía nhưng không hiệu quả. Sau đó, ông Tuấn lại bỏ mía trồng cà phê nhưng vốn đầu tư quá cao, tốn công chăm sóc mà giá thành lại không ổn định, có năm do giá vật tư, phân bón tăng cao nên sau khi thu hoạch cà phê, trừ chi phí thu nhập cũng chẳng là bao.
|
|
Nắm bắt được mặt hàng trái cây ngày một tiêu thụ mạnh, giá cả cũng ổn định, lợi nhuận cao, không cần nhiều công chăm sóc và có thể đầu tư lâu dài để phát triển bền vững, ông Tuấn đã mạnh dạn phá bỏ một số diện tích cây cà phê để trồng cây ăn trái. Sau nhiều năm đầu tư, phát triển, đến nay gia đình ông Tuấn đã có 2 ha trồng cây ăn trái với trên 20 loại trái cây như: sầu riêng, cam, bưởi roi xanh, bơ cao sản, vải thiều, mít Thái Lan, chanh không hạt… Ngoài ra, ông Tuấn còn trồng 1.400 cây cà phê chè và 700 trụ tiêu với mục đích lấy ngắn nuôi dài và rút ngắn thời gian hoàn lại vốn. Nhờ cần cù chịu khó và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc nên vườn cây ăn trái của gia đình ông Tuấn cho thu hoạch quanh năm mà năng suất vẫn cao. Mỗi năm, vườn nhà ông cho thu hoạch khoảng 50 tấn trái cây tươi, sạch; sau khi trừ chi phí, mỗi ha cây ăn trái của gia đình ông cũng cho thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Năm 2010, ngoài thu hoạch hơn 20 tấn sầu riêng, 7 tấn bưởi roi xanh và các loại cây trồng khác như: bơ cao sản, cam, tranh không hạt, vải thiều..., ông Tuấn còn thu được 2,3 tấn tiêu hạt, thu lãi hơn 120 triệu đồng.
Quỳnh Nga
Ý kiến bạn đọc