Multimedia Đọc Báo in

Tỷ phú Mười Bơ

09:42, 25/04/2011

Khó có thể hình dung được cách đây mười năm, chàng thanh niên Trịnh Xuân Mười rời quê hương Nghệ An vào Dak Lak với hai bàn tay trắng phải dùng cây sáo trúc phục vụ khách trên tàu xuôi Nam để có tiền ăn và lộ phí, giờ đã trở thành Giám đốc Công ty TNHH  Mười Bơ Tây Nguyên một cơ sở chuyên sản xuất giống và thành phẩm bơ đặc sản, nắm trong tay bạc tỷ…

Sinh năm 1974, Trịnh Xuân Mười là con út trong gia đình có mười người con ở Diễn Châu, Nghệ An, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố nằm liệt bởi căn bệnh tai biến mạch máu não, mẹ mắc bệnh bán thiên đầu thống dẫn tới mù lòa. Năm 1990, khi mới 16 tuổi, Mười rời quê hương vào Nam với mong muốn tìm được việc làm có tiền giúp gia đình. Đến ga Nha Trang, Mười đi tìm việc làm thử vận may, nhưng nhìn người ốm nhom chẳng ai nhận. Một người lái xe tốt bụng thấy Mười đói vật vờ liền mua cho ổ bánh mì và cho ngồi nhờ xe chở cá từ Nha Trang lên Buôn Ma Thuột. Thành phố cao nguyên xa lạ không người thân thích, Mười lại lững thững đi bộ quay về hướng Nha Trang may ra tìm được việc gì làm. Đến xã Ea Phê (Krông Pak), anh được một gia đình nông dân nhận về gặt lúa, cơm nuôi, với mức lương 40 nghìn đồng/tháng. Nhưng việc gặt lúa cũng chỉ hai tháng là hết, thấy Mười siêng năng, chịu khó, ông chủ dẫn anh lên TP. Buôn Ma Thuột làm công cho người cháu với công việc bốc vác thu mua trái cây. Năm 1995, Mười xây dựng gia đình với một cô gái cùng nghề thu mua bơ.

 

Năm 2002 là thời điểm người trồng cà phê ở Tây Nguyên lao đao vì rớt giá. Ngân hàng phải khoanh nợ cho người vay, lúc đó có một gia đình chán nản muốn bán 1,3 ha cà phê tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) với giá 55 triệu đồng. Vợ chồng Mười quyết định mua lại miếng đất này, cùng gia đình người bán đất làm giấy trả trước cho ngân hàng 12 triệu đồng dành dụm được,  số nợ còn lại trả dần. Hai năm sau thì trả xong nợ ngân hàng, Mười nghĩ cà phê phụ thuộc xuất khẩu, lúc được lúc mất, nhưng trái bơ lúc nào cũng có giá. Vợ chồng anh bèn tính chuyện trồng xen bơ vào rẫy cà phê, nhưng phải là loại bơ có giá trị kinh tế cao. Những lần đi thu mua bơ, Mười phát hiện có một cây bơ trái to, cơm vàng, da mỏng, sai trái của gia đình bà Nguyễn Thị Lý ở thôn 9, xã Ea Ktur (Cư Kuin), anh liền nghĩ đến chuyện nhân giống bằng cách ghép cành. Nhưng ghép thế nào? Trong bộ quần áo người làm rẫy, dắt chiếc xe đạp gãy một bên ghi-đông, Mười đến Viện Nghiên cứu giống cây trồng Ea Kmát để hỏi, anh cán bộ Viện nhìn Mười từ đầu đến chân, trả lời gọn lỏn: “Bơ gì? Không thấy người ta đổ cho heo ăn…, ghép sao được?”. Vẫn không từ bỏ ý định, Mười quay về nhà mày mò ghép thử, nhưng ghép đi ghép lại mấy lần không thành công. Lòng mơ ước chuyển được giống bơ cao sản về vườn nhà thôi thúc anh đừng bỏ cuộc. Anh theo dõi người ghép điều để học hỏi và cuối cùng thì anh đã ghép thành công. Năm 2006, vườn bơ xen cà phê nhà anh cho lứa quả đầu tiên, anh mừng vì cây nhỏ nhưng nhiều trái và đúng bản gốc, trái to, vỏ mỏng… Năm 2007, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh mượn bơ của anh làm đề tài giới thiệu thuơng hiệu Bơ Dak Lak (Dakado). Năm 2008, anh thu hoạch thử 500 kg gửi siêu thị Big C với giá bán 15.000 đồng/kg, nhưng họ không dám nhận nói rằng nhận vào sẽ không bán được các loại bơ khác. Anh quay về nhập cho siêu thị Coop Mart tại Buôn Ma Thuột với giá 20.000 đồng/năm. Ngoài ra, Mười còn nghiên cứu ghép thành công loại bơ tứ quý (cho trái bốn mùa).

Với diện tích 1,3 ha cà phê, Mười trồng được 150 cây bơ ghép (120 cây bơ/ha). Theo anh thì cà phê ưa mát, trồng bơ có bóng mát giữ độ ẩm cho cà phê lại có thêm nguồn thu. Năm nay, gia đình anh thu được hơn 200 triệu đồng từ cà phê cùng với gần 400 triệu tiền bơ. Tính ra trồng bơ xen cà phê, diện tích đất sẽ cho giá trị gấp 3 lần. Mười còn mua thêm 3.000m2 đất để ươm giống bơ. Nhớ ơn người có cây bơ “tổ”, Mười hướng dẫn cho gia đình cách ghép giống cung cấp cho anh và bao tiêu cả trái bơ. Bà Nguyễn Thị Lý cho biết: “Trước đây tôi bán bơ cho người ta thu mua, cao lắm cũng chỉ được 2 triệu đồng/vụ. Bây giờ bình quân cây bơ cho bảy tạ trái, bán cho anh Mười đã có 14 triệu đồng, với 2 ngàn bầu ghép 80 triệu nữa”. Giống bơ mang thương hiệu “Mười bơ” đã xuất ra 8 tỉnh. Người mua giống ký hợp đồng với Công ty TNHH Mười Bơ cũng được bao tiêu sản phẩm luôn. Sản phẩm bơ của anh được sở Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận “Thương hiệu Mười bơ”.

Từ một thanh niên tay trắng, nhờ có nghị lực và trí vươn lên, hiện nay Trịnh Xuân Mười đã làm chủ một doanh nghiệp với số vốn cố định 5,6 tỷ đồng.

 

Nguyễn Liên

 


Ý kiến bạn đọc