Multimedia Đọc Báo in

Dưa hấu - cây thoát nghèo của người dân thôn Quyết Tiến 2

20:20, 08/05/2011

Bên cạnh cây mía, sắn cao sản, ngô lai là những cây trồng chủ lực của địa phương thì vài năm trở lại đây với nhiều hộ dân thôn Quyết Tiến, xã Ea Týh (huyện Ea Kar) dưa hấu được xem là cây xóa đói giảm nghèo.

Thôn Quyết Tiến 2 hiện có 105 hộ, 450 khẩu chủ yếu là dân di cư của các tỉnh phía bắc theo diện kinh tế mới từ những năm 90. Do điều kiện đất, khí hậu canh tác  khác với miền quê chiêm trũng nên những năm đầu mới vào lập nghiệp cuộc sống của đông đảo người dân gặp không ít khó khăn, đặc biệt là việc chuyển đổi giống cây trồng. Do phần lớn diện tích là đất pha cát nên việc trồng cây mía, sắn cao sản, ngô lai không mấy hiệu quả. Nhưng từ khi chuyển sang trồng cây dưa hấu thì mọi việc khác hẳn. Cây không chỉ  hợp đất phát triển tốt mà còn cho năng suất rất cao. Hiện nay, cánh đồng hơn 20 ha trồng các loại cây ngắn ngày đã được các hộ dân trong thôn chuyển sang trồng cây dưa hấu. Ông Khúc Văn Thiêm,  trưởng thôn Quyết Tiến 2 cho biết: “Với việc đưa giống dưa lai T10, T12 của Công ty Trang Nông vào sản xuất bình quân mỗi ha người trồng dưa thu hoạch 30 tấn quả, sau khi trừ chi phí đầu tư lãi hơn 35 triệu đồng. Dưa này không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn được các thương buôn về tận nơi mua xuất khẩu qua Trung Quốc”. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Quyết đang xuất bán số dưa vừa thu hoạch cho thương lái.
Gia đình ông Nguyễn Văn Quyết đang xuất bán số dưa vừa thu hoạch cho thương lái.
Việc cây dưa hấu bén duyên với người dân thôn Quyết Tiến 2 là do vùng đất nơi đây có nguồn nước tưới dồi dào, cộng với đó là chính quyền địa phương đã nỗ lực liên kết với Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tư vấn các loại thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức hội thảo đầu bờ giúp cho nhiều bà con nông dân nắm vững quy trình sản xuất để áp dụng vào ruộng dưa nhà mình. Ông Khúc Văn Thụy một hộ thoát nghèo từ cây dưa hấu chia sẻ: “Sau khi được tư vấn kỹ thuật, thuốc trị bệnh, từ 6 sào đất trước đây sản xuất hoa màu không mấy hiệu quả, tôi chuyển sang trồng dưa đến nay gia đình không những đã thoát được nghèo mà cuộc sống ngày càng ổn định, con cái được học hành đầy đủ”. Không chỉ riêng gia đình anh Thụy vươn lên thoát nghèo từ cây dưa mà nhiều gia đình khác như hộ anh Khúc Văn Nghiệp, Nhữ Văn Thụy, Nguyễn Văn Quyết…. cũng xây dựng được cuộc sống ấm no từ cây trồng đó.

Có thể nói, nỗ lực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã làm thay đổi cuộc sống của đông đảo bà con nơi đây. Nếu như năm 2009 toàn thôn Quyết Tiến 2 có 24 hộ nghèo thì đến đầu năm 2011 số hộ nghèo chỉ còn 42%, không còn hộ đói. Với những kết quả đạt được từ mô hình trồng dưa hấu xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở thôn Quyết Tiến 2. Ông Trần Duy Khắc, Chủ tịch UBND xã Ea Týh khẳng định, trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình này tại tất cả các thôn, buôn trên địa bàn xã nếu diện tích đất sản xuất đó phù hợp với cây dưa.

 

Tuấn Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.