Ước mơ của ông chủ rẫy dứa
Anh Cao Xuân Bình sinh năm 1969 tại một làng quê ở Hưng Yên. Năm 1985, anh theo gia đình đi kinh tế mới ở huyện Ea Kar, sau đó chuyển lên TP.Buôn Ma Thuột sống bằng đủ nghề: phụ hồ, xe ôm, bốc vác… Vừa làm vừa học bổ túc văn hóa, học bằng lái xe, học trung cấp Luật... rồi anh lại mất hơn sáu năm quay về với vườn - ao - chuồng, vay vốn đào ao thả cá tại Nông trường Phước Sơn (Krông Pak). Sau những lần chuyển đổi nơi ở và thử nhiều công việc không hiệu quả, anh dừng chân ở khối 7, phường Tân Lợi (TP.Buôn Ma Thuột); lấy vợ, sinh con và loay hoay tìm lối đi với 6 sào sáu cà phê già cỗi...
Cách đây hơn 10 năm, Nông trường Cà phê Buôn Ma Thuột có ý tưởng phát triển mô hình trồng dứa xen canh cây cà phê, tiến tới xây dựng một nhà máy ép nước dứa quy mô lớn phục vụ các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Nông trường đã cắt cử người đi học, cung cấp giống dứa cayen cao sản và hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, bón phân… với hy vọng sẽ có loại cây xen canh phù hợp và tạo nguồn thu nhập không lệ thuộc hoàn toàn vào cà phê vốn giá cả luôn phập phù. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị chưa kỹ lưỡng, thời cơ chưa thuận lợi, tâm lý của công nhân và nông dân hoài nghi vừa làm vừa lo; xen canh trồng dứa giữa những luống cà phê khiến dứa thiếu ánh sáng, quả nhỏ và không ngọt. Năng suất cả dứa và cà phê đều thấp. Nguồn nguyên liệu chẳng thấm vào đâu khiến dự án nhà máy ép dứa trở thành dang dở…
Anh Bình đang thu hoạch dứa. |
Khi các sản phẩm rau, củ, quả sử dụng thuốc kích thích gây lo ngại cho người tiêu dùng thì sản phẩm sạch như trái dứa trở nên đặc biệt đắt hàng. Cuối tháng 10-2009, Bình quyết định phá bỏ toàn bộ 6 sào sáu cà phê, trồng mới hơn 30.000 bụi dứa cao sản. Trời không phụ lòng người, hơn 3 vạn bụi dứa phát triển rất nhanh, vừa đồng loạt cho thu hoạch, sản lượng cao, trái rất to và đều, có trái lên tới 4 kg. Bình tiết lộ: “Đây là lứa đầu tiên trồng đại trà, cây hợp chất đất nên không tốn đồng tiền phân, tiền thuốc nào. Bán rẻ 10.000 đồng/kg; vừa bán trái, vừa bán chồi giống, tháng 5 vừa rồi gia đình tôi thu 200 triệu đồng mà trong rẫy vẫn còn hơn 1/3 diện tích chưa hái quả. Sắp tới tôi đầu tư mua thêm đất rẫy. Hy vọng tương lai sẽ cung cấp đủ dứa cho cả Tây Nguyên…”.
Bình cho biết, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ những hộ nghèo muốn vươn lên. Hiện tại anh đang cưu mang hai mẹ con bà Minh từ vùng núi Nghệ An vào TP.Buôn Ma Thuột đã hơn 18 năm mà chưa làm được hộ khẩu, cháu Trịnh Thị Thúy Hằng mắc chứng bệnh tim. Anh mong muốn giúp được cháu Hằng chữa bệnh và mua một chiếc xe bán tải chở sản phẩm đến các chợ đầu mối…
Ý kiến bạn đọc