Một mô hình nuôi chim cút mang lại hiệu quả kinh tế cao
Cách đây 2 năm, qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy mô hình nuôi chim cút không vất vả, kỹ thuật nuôi đơn giản nhưng lại có hiệu quả kinh tế cao, anh Phương Hữu Tiệp trú tại địa bàn khối 8, thị trấn Ea Knốp (Ea Kar) đã mạnh dạn đầu tư vốn làm chuồng trại và mua giống chim này về nuôi thử.
Thời gian đầu, anh chỉ nuôi thử nghiệm khoảng 100 con chim cút giống. Để phòng chống dịch bệnh cho đàn chim cút, anh Tiệp luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, từ việc chọn giống, cho chim ăn, đến phun thuốc khử trùng, tiêm phòng dịch và vệ sinh chuồng trại… Nhờ vậy, đàn chim cút của anh phát triển khá tốt, không bị mắc bệnh và sinh sản tốt. Từ vài chục con chim cút đẻ ban đầu, đến nay đàn chim cút của gia đình anh Tiệp đã lên đến 500 con. Tuy nuôi chim cút với số lượng tương đối lớn, nhưng anh Tiệp không mất nhiều diện tích đất vì hệ thống chuồng trại được anh làm rất gọn nhẹ, bài bản. Hiện nay, trung bình mỗi ngày gia đình anh thu được 250 quả trứng, với giá bán ra ngoài thị trường 12.500 đồng/con và trứng cút lộn là 9.000 đồng/chục trứng, sau khi trừ chi phí, thu nhập mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng.
Không chỉ nuôi chim cút lấy trứng bán, anh còn nuôi ba ba, chim bồ câu, cung cấp chim cút giống cho những hộ có nhu cầu. Anh Tiệp cho biết: “Mô hình nuôi chim cút có ưu điểm là nhanh thu hồi vốn, không tốn kém và mất nhiều công sức như nuôi gà, hơn thế nữa chi phí đầu tư không cao, ít bị dịch bệnh, dễ nuôi và ít tốn công sức, trong khi đầu ra sản phẩm thuận lợi, rất phù hợp với các hộ nông dân. Người chăn nuôi có thể tranh thủ thời gian để làm mô hình này”. Vì vậy, thời gian qua, đã có nhiều hộ nông dân đến tìm hiểu và học tập theo mô hình nuôi chim cút của gia đình anh Phương Hữu Tiệp.
Ý kiến bạn đọc