Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ nuôi nhím và heo rừng lai

07:30, 22/08/2011

Từng gặp thất bại trong việc  nuôi heo siêu nạc do chi phí thức ăn tăng cao, đàn heo hay nhiễm dịch bệnh chết nhưng chị Hà Thị Thắm ở thôn 2, xã Ea Khal (Ea H’leo) vẫn không nản chí. Sau nhiều lần suy tính, đầu năm 2009, chị Thắm vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ea H’leo, thêm vào số tiền tiết kiệm của gia đình, chị đến tỉnh Bình Dương mua 3 cặp nhím giống, 6 con heo rừng lai và 2 con heo rừng bố mẹ thuần chủng về nuôi với hy vọng thoát nghèo bằng mô hình này.

Chị Thắm đã tìm hiểu hướng dẫn kỹ thuật nuôi động vật hoang dã trên sách, báo và đến tham quan thực tế một số mô hình nuôi thú rừng thành công ở các nơi trong tỉnh nhằm học hỏi, bổ sung thêm kiến thức cho mình. Với 4 sào đất vườn, chị Thắm trồng khoai lang, ngô lai, bí đỏ và chuối để chủ động nguồn  thức ăn cho nhím và heo rừng. Đến mùa thu hoạch nông sản, chị vào các thôn, buôn ở địa phương mua thêm lúa và trấu về nghiền theo tỷ lệ: 1 kg lúa cộng với 5 kg trấu xay thành bột cám cho lợn ăn. Nhờ được chăm sóc tốt, chuồng trại thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ nên đàn nhím và heo rừng lai của gia đình chị phát triển tốt. Cuối năm 2008, 3 nhím mẹ đã sinh sản được 6 nhím con, đàn heo rừng lai đẻ được 50 con. Chăm sóc hơn 3 tháng, chị đã xuất bán giống nhím và heo rừng lai, thu lãi hơn 80 triệu đồng.

Đàn heo rừng hơn tháng tuổi của chị Hà Thị Thắm.
Đàn heo rừng hơn tháng tuổi của chị Hà Thị Thắm.
Chị Thắm chia sẻ: “Nhím và heo rừng lai là loài vật dễ nuôi, ít nhiễm dịch bệnh. Thức ăn chủ yếu là các loại rau, củ, quả và phụ phế phẩm trong thu hoạch nông nghiệp mà hộ nuôi tự trồng hoặc tìm kiếm ở địa phương, chẳng mất thời gian để nấu chín. Tuy nhiên, nuôi nhím phải xây chuồng trại chắc chắn, nếu không chú ý con vật nuôi sẽ khoét ngạch đi mất. Còn heo rừng lai, ngoài việc gia cố chuồng trại, cần quy hoạch diện tích đất hợp lý để vật nuôi ra ngoài đi dạo, tự kiếm thêm thức ăn để nhanh lớn hơn, thịt săn chắc và bán được giá”. Với mô hình nuôi động vật hoang dã, bán hoang dã này, từ tháng 6-2009 đến nay, mỗi năm chị Thắm có thu nhập gần 100 triệu đồng/ năm sau khi đã trừ chi phí. Đặc biệt hơn, từ tháng 4- 2010 đến tháng 6-2011, chị Thắm đã bán 40 con heo rừng lai và 6 con nhím về làm giống cho 23 hộ gia đình là hội viên Cựu chiến binh trên địa bàn xã Ea Khal với giá ưu đãi, người mua chỉ  trả trước 1/3 số tiền, đến khi con vật nuôi cho sinh sản mới hoàn trả đủ số nợ còn lại.

Nhờ chịu khó, mạnh dạn trong suy nghĩ và cách làm ăn, biết tính toán trong chi tiêu nên giờ đây gia đình chị Hà Thị Thắm đã thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định và có điều kiện nuôi con ăn học.

Ngọc Tài

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.